[Infographic] Cơ hội và thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ y tế số tại Việt Nam

Y tế số và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang tới những tiến bộ vượt bậc cho lĩnh vực y tế, giúp việc chăm sóc sức khỏe trở nên hiệu quả và dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, một bài báo mới của ThS. BS. Hồ Quang Chánh và cộng sự đã nêu ra những thách thức khi áp dụng y tế số tại những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam, đồng thời đưa ra các giải pháp như là làm việc chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách, bệnh nhân và nhân viên y tế tại địa phương, và tích hợp với hệ thống và thực tiễn địa phương để phát huy tối ưu hiệu quả của y tế số.

Đây là những bài học rút ra từ Dự án ứng dụng công nghệ tại khoa hồi sức tích cực ở Việt Nam (VITAL), nhằm phát triển và triển khai công nghệ để cải thiện chẩn đoán và điều trị lâm sàng các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, bao gồm sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, lao, v.v.

Trong quy mô của dự án, các nhà nghiên cứu từ OUCRU, Đại học Hoàng gia LondonĐại học Oxford, phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh đã phát triển một hệ thống đeo trên người bệnh nhân, giúp hỗ trợ quyết định lâm sàng dựa trên AI để hỗ trợ theo dõi và điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Tại Việt Nam, một quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, hệ thống y tế đang ở giai đoạn sơ khai trong việc triển khai các công nghệ y tế số. Do đó, các sáng kiến về y tế số cần giải quyết các thách thức liên quan đến thu thập và tính khả dụng của dữ liệu y tế, tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại và quy trình làm việc của nhân viên y tế tại địa phương, đồng thời hiểu được người dùng (bệnh nhân/nhân viên y tế) cũng như các quy phạm pháp luật liên quan.

Tác giả thứ nhất, ThS. BS. Hồ Quang Chánh cho biết: “Y tế số cần phải phù hợp với hệ sinh thái y tế địa phương, bao gồm rất nhiều các yếu tố cũng đang phát triển song song. Do đó, việc hiểu và áp dụng linh động với bối cảnh địa phương là rất quan trọng để phát triển một hệ thống y tế số phù hợp với bệnh nhân địa phương, nhân viên y tế địa phương, và môi trường pháp lý địa phương.”

Infographic dưới đây nêu rõ những cơ hội để đáp ứng với những thách thức liên quan tới áp dụng y tế số và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Dự án VITAL là dự án hợp tác giữa OUCRU và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. HCM, Đại học Hoàng gia London, Đại học Oxford và các đối tác khác. Địa điểm nghiên cứu là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp. HCM với quy mô 550 giường bệnh, là bệnh viện tuyến đầu cho bệnh truyền nhiễm tại miền Nam Việt Nam.

Xem thêm: Tạp chí ‘Hai mặt của trí tuệ nhân tạo’ do Đại học Hoàng gia London phối hợp với Dự án VITAL phát triển.

Tham khảo:

Chanh HQ, Ming DK, Nguyen QH, Duc TM, Phuoc An L, Trieu HT, Karolcik S, Hernandez B, Perez, Van Nuil J, Lyle NN, Kestelyn E, Thwaites L, Georgiou P, Paton C, Holmes A, Van Vinh Chau N, Yacoub S. Applying artificial intelligence and digital health technologies, Viet Nam. Bull World Health Organ. 2023 Jul 1;101(7):487-492. doi: 10.2471/BLT.22.289423. Epub 2023 May 26. PMID: 37397176; PMCID: PMC10300774.

Tìm hiểu thêm

Liên quan

Skip to content