OUCRU phối hợp với Sở Y tế Đắk Lắk và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tiêm chủng tuyến đầu, đặc biệt tập trung hỗ trợ truyền thông về vắc xin và quy trình tiêm chủng.
So với các xã không tham gia, các xã tham gia chương trình tập huấn đã đạt tỷ lệ tiêm vắc xin nhắc lại (tiêm vét) lên tới 42%
Chương trình đào tạo này là một phần của chương trình hợp tác kéo dài 9 năm giữa OUCRU và Sở Y tế Đắk Lắk, nhằm nghiên cứu các vấn đề trong y tế địa phương, như các bệnh lây truyền từ động vật sang người, Covid-19, và tiêm chủng.
Để đối phó với các đợt bùng phát và các ca tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, bao gồm bệnh bạch hầu và uốn ván, năm 2016, OUCRU và CDC tỉnh đã hợp tác thực hiện chương trình nghiên cứu định tính và định lượng về tiếp cận vắc-xin ở các nhóm yếu thế và đánh giá các biện pháp can thiệp có sự tham gia của cộng đồng.
Vào ngày 18 tháng 5 năm 2023, OUCRU và CDC Đắk Lắk đã tổ chức một sự kiện để kỷ niệm những tiến bộ đạt được trong việc cải thiện tỷ lệ tiêm chủng trong các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất của tỉnh. Các mô-đun đào tạo mới đã được giới thiệu, bên cạnh kết quả đào tạo thí điểm tại 17 xã của huyện Cư M’gar.
Sự kiện có sự tham gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cán bộ y tế tuyến huyện, xã, thôn buôn.
“Trước khi triển khai tập huấn, 52 xã trên 184 xã của toàn tỉnh Dak Lak thuộc vùng lõm tiêm chủng. Chúng tôi rất trăn trở làm sao để vực dậy kết quả tiêm chủng trên vùng lõm này. Trước đại dịch Covid-19, kiến thức, thái độ và hành vi của người dân về tiêm chủng rất tốt. Nhưng sau giai đoạn Covid, việc hưởng ứng tiêm chủng gặp vấn đề. Việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến đầu vì vậy đặ biệt quan trọng để vực dậy tỉ lệ tiêm chủng.
BS. Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC Đắk Lắk chia sẻ trong cuộc họp.
Các thách thức trong hệ thống
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam được báo cáo là rất cao. Tuy nhiên, những đợt bùng phát dịch bệnh sởi, bạch hầu và uốn ván sơ sinh, đều là những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, cho thấy tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trên toàn quốc. Các đợt bùng phát ở khu vực nông thôn chủ yếu xảy ra trong các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Giai đoạn đầu tiên của dự án của chúng tôi đã xem xét những thách thức mà các thành viên cộng đồng gặp phải khi đi tiêm chủng và nhân viên y tế gặp phải khi làm việc với các thành viên cộng đồng.
Nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thanh Hà, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại OUCRU, cho thấy hầu hết người dân đều biết về lợi ích của vắc-xin và thể hiện thái độ tích cực đối với việc tiêm phòng. Tuy nhiên, những thách thức mang tính hệ thống như thiếu phương tiện đi lại, thiếu giấy phép lái xe, đường đến các trung tâm tiêm chủng khó khăn, hoặc bố mẹ không thể nghỉ làm để đưa trẻ đi tiêm chủng, đã ngăn cản cộng đồng này tiếp cận với tiêm chủng.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy đội ngũ y tế cấp cơ sở, đặc biệt là các cộng tác viên y tế thôn/ buôn đóng vai trò thiết yếu trong việc khuyến khích và thúc đẩy tỉ lệ tiêm chủng của cộng đồng. Tuy vậy, các cộng tác viên y tế thôn/buôn lại thường là những tình nguyện viên với mức hỗ trợ hàng tháng rất thấp.
Họ ít có cơ hội được đào tạo về tiêm chủng, vắc-xin hoặc về các kỹ năng cần thiết để truyền thông với cộng đồng, dù công việc của cộng tác viên đòi hỏi kỹ năng này, đặc biệt là khi truyền thông với các thành viên cộng đồng thuộc nhóm dân tộc thiểu số.
Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho vấn đề này trầm trọng hơn. Theo WHO, chỉ riêng trong năm 2021, 25 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã tiêm thiếu ít nhất một liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP).
“Việc tiếp cận những trẻ em chưa được tiêm chủng và các gia đình này là mục tiêu của nhiều tổ chức trên toàn cầu. Truyền thông là đặc biệt cần thiết để đạt được độ bao phủ tiêm chủng ở những nhóm khó tiếp cận này.”
Tiến sĩ Mary Chambers, Trưởng nhóm Kết nối khoa học với cộng đồng tại OUCRU, cho biết.
Chương trình Nâng cao năng lực cho cán bộ tiêm chủng tuyến đầu
Nhờ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã phối hợp với CDC Đắk Lắk xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cộng tác viên y tế xã và nhân viên trạm y tế xã, đặc biệt tập trung hỗ trợ họ truyền thông về vắc xin và quy trình tiêm chủng.
Kết quả đầu ra là một khóa tập huấn gồm 5 mô-đun, cùng với hướng dẫn tập huấn và thẻ ghi chú. Một khóa đào tạo giảng viên (TOT) cũng giúp cho cán bộ y tế cấp huyện và xã thực hiện tập huấn này với các cộng tác viên y tế tại thôn, buôn.
Khóa học ‘Nâng cao năng lực cho cán bộ vắc-xin tuyến đầu‘ và khóa học TOT đã được thí điểm với các cộng tác viên y tế từ 17 xã của huyện CưMgar và với 26 cán bộ chuyên trách tiêm chủng và cán bộ y tế cấp huyện và cấp xã (2022-2023).
Chương trình tập huấn có sự tham gia của cán bộ y tế tuyến đầu, thông qua việc xây dựng không gian học tập tích cực, đã tăng sự tự tin của các cộng tác viên y tế. Chương trình cũng đảm bảo tính bền vững bằng việc nâng cao năng lực cho giảng viên là các chuyên trách và cán bộ y tế.
Phản hồi từ buổi tập huấn thí điểm cho thấy tiềm năng của chương trình trong việc hỗ trợ việc tăng cường sự tự tin và năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế và cộng tác viên y tế cấp cơ sở, phù hợp để triển khai tại địa phương.
Sau đợt tập huấn, 20 xã tham gia tập huấn có tỷ lệ tiêm nhắc lại tăng rõ rệt (lên tới 42%) so với các xã không tham gia.
“Sau khi tập huấn xong thì thấy mình tự tin hơn, điều mà trước đây mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm một giảng viên, làm được điều đó chị cảm thấy rất vui!”
Một Cán bộ chuyên trách tiêm chủng cấp xã, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.
“Cách tập huấn mới này giúp cộng tác viên tự mình đưa ra nhiều hình thức để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của mình.”
Chia sẻ của một Trưởng Trạm Y tế xã, tỉnh Đắk Lắk.
“Chúng tôi hy vọng rằng chương trình này sẽ được áp dụng rộng rãi để hỗ trợ cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu trong việc vận động tiêm chủng ở các vùng sâu vùng xa trên khắp Việt Nam. Từ đó nâng cao sức khỏe chung cho mọi người, đặc biệt là những cộng đồng ở các khu vực còn nhiều khó khăn,” ThS. Nguyễn Bích Phương, Điều phối viên Cao cấp của dự án cho biết.
“Tôi thực sự hy vọng rằng chúng ta có thể nhìn nhận những điểm mạnh và nhu cầu của những nhân viên y tế tuyến đầu này, và cách ta có thể hỗ trợ họ để thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng – đóng vai trò là những người kết nối giữa hệ thống y tế và cộng đồng,” TS. Mary Chambers nhấn mạnh.
Dự án này được hỗ trợ bởi sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Wellcome và Mạng lưới Đạo đức Sinh học Y tế Toàn cầu.
Để tải tài liệu đào tạo cho nhân viên y tế, vui lòng truy cập.