September 18, 2024

Nghiên cứu mới xác định các yếu tố nguy cơ gây bệnh lao tại TP.HCM

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Oxford, OUCRU và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Bệnh lao – Mối đe dọa sức khỏe toàn cầu

Trên thế giới, tiến trình làm giảm gánh nặng bệnh lao đã vấp phải thách thức trong suốt thời kỳ COVID-19 và ước tính có 10,6 triệu người mắc lao vào năm 2021, trong đó có 1,6 triệu người chết.

Điều đặc biệt là tình trạng mắc bệnh lao không phân bố đồng nhất khi 90% gánh nặng bệnh này thuộc về 30 quốc gia thu thập trung bình và thấp. Do đó, người ta tin là sự phân bố về mặt địa lý của bệnh phản ánh sự tương tác phức tạp của người mắc bệnh và người dễ mắc, môi trường vật lý, tình trạng nghèo đói…

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 quốc gia về số bệnh nhân lao và đứng thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Việc hiểu sâu thêm các nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng mắc bệnh lao và lao đa kháng thuốc là điều quan trọng điểm kiểm soát dịch bệnh.

Bệnh lao ở TP.HCM: Ai dễ bị tổn thương?

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu về bệnh nhân đăng ký điều trị bệnh lao ở các bệnh viện công tại 23 phường của TP.HCM, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2023.

Các nhà khoa học đã phân tích thông tin của từng cá nhân để miêu tả về gánh nặng của lao ở TP.HCM và đặc điểm của các ca bệnh lao, đồng thời sử dụng dữ liệu cấp quận để thiết kế thông tin sinh thái, miêu tả được các nhân tố ở cấp quận liên quan đến gánh nặng lao.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2023 tại TP.HCM có tổng số 36.089 người đăng ký điều trị bệnh lao và 1.451 người mắc lao đa kháng thuốc (họ đã loại trừ một số người mắc bệnh sống ngoài TP.HCM).

Phân tích những thông số sâu hơn thì trong đó có 67.7% nam và 32,3% nữ; 81% sống ở thành thị; độ tuổi trung bình 45; 5% đồng nhiễm HIV; 31.999 trường hợp mắc không có tiền sử về bệnh lao, 5.516 trường hợp có tiền sử lao. Trong số các trường hợp đăng ký điều trị lao đa kháng thuốc, 2% không có tiền sử lao và 14% trường hợp có tiền sử lao.

Vi khuẩn hình que Mycobacterium tuberculosis.
Vi khuẩn hình que Mycobacterium tuberculosis.

Sự phân bố không đồng đều của bệnh lao

Tháp dân số không đối xứng cho thấy gánh nặng bệnh lao nhạy cảm với thuốc và lao đa kháng thuốc thuộc về nhóm nam ở độ tuổi trung niên và tăng theo độ tuổi, tương đồng với kết quả điều tra tỷ lệ mắc lao toàn quốc lần thứ hai tại Việt Nam và các nghiên cứu khác.

Mô hình thống kê cho thấy, các điểm nóng bệnh lao xuất hiện ở nhiều nơi thuộc trung tâm TP.HCM, cho cả lao nhạy thuốc và lao đa kháng thuốc trong khi ít hơn ở phía Bắc trung tâm.

Sự không đồng nhất về tỉ lệ mắc, cho cả hai dạng lao, đều xuất hiện ở các khu vực này. Với lao nhạy thuốc, dù phần lớn tập trung ở các phường ở khu vực trung tâm nhưng khu vực xung quanh có tỉ lệ cao thấp khác nhau; với lao đa kháng thuốc đều phân thành các cụm với tỉ lệ mắc cao, chỉ dấu có sự tương đồng nhiều hơn.

Sự khác biệt về giới tính của hai dạng lao cho thấy sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố sinh học, hành vi và môi trường. Sự xuất hiện của lượng mắc HIV nhấn mạnh sự đóng góp tiềm tàng của HIV vào lao, ngay cả ở những nơi có tỷ lệ mắc HIV tương đối thấp.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc ước tính tỷ lệ mắc bệnh lao nhạy thuốc và lao đa kháng thuốc ở TP.HCM thấp hơn đáng kể so với ước tính của WHO đối với Việt Nam, mặc dù có bằng chứng về việc TP.HCM có một số tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất cả nước.

Mặt khác, tỷ lệ mắc bệnh lao ở TP.HCM không liên quan đến nghèo đói, mặc dù đây là một yếu tố rủi ro. Thay vào đó, sự tập trung gánh nặng bệnh lao ở đây liên quan đến các yếu tố như phân bố giới tính và tỷ lệ lưu hành HIV.

Đọc nghiên cứu.

Viết bởi Thanh Nhã cho Tạp chí Tia Sáng.

Tìm hiểu thêm

Liên quan

Skip to content