Nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới, phòng Kết nối Khoa học với Công chúng và Cộng đồng (Kết Nối Công Chúng) của OUCRU, phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam (VnPA), và Medisetter, tổ chức hội thảo trực tuyến ‘Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc’. Hội thảo hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong và sau thiên tai/thảm họa cũng như đề xuất các chiến lược và kỹ năng sơ cứu tâm lý, chuẩn bị cho các tình huống tương tự trong tương lai.
Thời gian: 19h – 21h ngày 10 tháng 10 năm 2024 (Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới)
Hình thức: trực tuyến qua Zoom và YouTube Live (người tham dự sẽ nhận đường dẫn tham gia qua email đã đăng ký với BTC.)
Tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã hứng chịu sức mạnh của Yagi, cơn bão mạnh nhất châu Á trong 30 năm qua. Tính đến ngày 27/9, đã có 334 người chết và mất tích, 1.976 người bị thương và chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề(1).
Trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa như Yagi, nhân viên y tế, đặc biệt tại các khu vực ảnh hưởng và những người trực tiếp và gián tiếp tham gia vào công tác cứu hộ phải chịu những hậu quả tâm lý ngắn và dài hạn. Vấn đề này hiện đang chưa được quan tâm đúng mức.
Một nghiên cứu năm 2018 đã chỉ ra rằng chứng kiến trực tiếp sự tàn phá và mất mát sinh mạng do những sự kiện tàn khốc như vậy có thể gây ra chấn thương tâm lý tức thì(2). Trong một nghiên cứu khác năm 2004, 40,5% nhân viên tham gia cứu hộ hiện trường tai nạn máy bay United Airlines DC-10 có dấu hiệu căng thẳng cấp tính.
Về lâu dài, nhân viên y tế còn đối mặt với nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD – Post-traumatic stress disorder), trầm cảm và lo âu (Mao và cộng sự, 2018). Một nghiên cứu khác cho thấy 79,6% nhân viên cấp cứu y tế tham gia cứu hộ vụ tấn công 11/9 có triệu chứng PTSD, một số người vẫn cảm thấy tội lỗi, lo âu và ác mộng sau 15 năm (Smith và Burkle, 2019).
Bên cạnh hậu quả tâm lý trực tiếp, nhân viên y tế ứng phó với thiên tai, thảm họa còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác như thiếu thiết bị y tế, môi trường làm việc nguy hiểm và không ổn định, các rủi ro tiềm ẩn khác về thể chất và tâm lý v.v.. Những yếu tố này càng làm tăng thêm gánh nặng tâm thần cho lực lượng này.
Mặc dù hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong thiên tai, thảm họa là cần thiết, nhiều chuyên gia chỉ ra vẫn còn nhiều thách thức trên thực tế.
Một trong những trở ngại quan trọng đó là thiếu nguồn lực và chưa có hệ thống chuyên biệt đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế. Tại hội thảo, BS Phạm Ngọc Thanh sẽ trình bày sâu hơn về vấn đề này cũng như đề xuất một số chiến lược sơ cứu tâm lý giúp nhân viên y tế có kỹ năng đối phó và chuẩn bị cho căng thẳng tâm lý của chính mình cũng như giúp đỡ đồng nghiệp và nạn nhân thiên tai, thảm họa.
Vai trò của các tổ chức y tế trong công tác hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho nhân viên, hiện tại và trong các tình huống thiên tai, thảm họa, khủng hoảng v.v.. cũng là một yếu tố cần được xem xét, đặc biệt dưới góc độ thực tế. BS Lâm Tứ Trung, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chỉ ra các vấn đề có thể xảy ra khi triển khai các can thiệp sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong bối cảnh bệnh viện.
Bên cạnh việc cung cấp các can thiệp phù hợp, vận động nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị liên quan đến nhu cầu hỗ trợ sức khỏe tâm thần, thiết lập môi trường làm việc an toàn để nhân viên y tế cảm thấy được khuyến khích khi tìm kiếm sự giúp đỡ mà không cảm thấy xấu hổ. Điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ Hồng, Trưởng phòng Công tác Xã hội (CTXH) tại BVBNĐ, sẽ thảo luận về nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế và chia sẻ các hoạt động được triển khai bởi phòng CTXH tại bệnh viện.
Đăng ký tham dự hội thảo ngay để cùng tham gia buổi thảo luận đặc biệt này.
Nếu cần được hỗ trợ thêm, vui lòng liên hệ với BTC qua các kênh truyền thông chính thức (trang web, tài khoản mạng xã hội) hoặc email publicengagement@oucru.org.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://e.vnexpress.net/news/news/environment/yagi-s-devastation-and-aftermath-a-recap-of-vietnam-s-biggest-disaster-in-decades-4796969.html
(2) https://doi.org/10.1016/j.ijdrr.2017.10.020
(3) https://academic.oup.com/annweh/article/67/8/1018/7226980