Sân khấu diễn đàn, thuộc hình thức Sân khấu của người yếu thế, là một hình thức sân khấu tương tác và có sự tham gia được phát triển bởi đạo diễn sân khấu, biên kịch, nhà hoạt động xã hội người Brazil Augusto Boal vào những năm 1970. Phương pháp giàu tính tương tác này giúp cộng đồng (khán giả) được trao quyền để cất lên tiếng nói và từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của họ trong các vấn đề xã hội thực tế.
Phương pháp hoạt động
Sân khấu Diễn đàn bắt đầu với phần biểu diễn ngắn như một vở kịch thông thường, để khán giả được nhìn thấy tình huống. Phần biểu diễn này thường sẽ có kết thúc bi thảm, tạo cơ hội để khán giả có thể thay đổi kết cục.
Sau đó, người điều phối sẽ thông báo với khán giả vở kịch sẽ được diễn lại, nhưng lần này, họ (khán giả) có quyền can thiệp, đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề đang xảy ra, từ đó tạo nên kết cục tốt đẹp.
Vở kịch cũng có thể kết thúc với một tình huống chưa được giải quyết, mời gọi các thành viên khán giả bước vào và đề xuất giải pháp bằng cách thay thế nhân vật và diễn xuất các kịch bản thay thế.
Sơ đồ cách thức một buổi sân khấu diễn đàn điển hình được thực hiện.
Sân khấu diễn đàn giúp nâng cao sự tham gia của cộng đồng
- Tham gia tích cực: Không còn chỉ thụ động ngồi xem như vở kịch thông thường, các khán giả trở nên tích cực hơn và cùng tham gia thảo luận để giải quyết vấn đề.
- Trao quyền: Phương pháp này trao quyền cho những cá nhân yếu thế, nói lên những vấn đề họ đang gặp phải, giúp họ có tiếng nói trong việc nêu lên giải pháp cho những thách thức trong cuộc sống thực tế.
- Giải quyết vấn đề: Khuyến khích các thành viên cộng đồng làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp cho các vấn đề chung mà vở kịch đưa ra.
- Không gian an toàn để thảo luận: Sân khấu diễn đàn tạo nên một môi trường an toàn cho những người yếu thế, giúp họ cảm thấy thoải mái trong việc thảo luận về các vấn đề nhạy cảm hoặc gây tranh cãi với những khán giả khác.
Sân khấu diễn đàn là hình thức truyền thông giúp nâng cao nhận thức hiệu quả
- Kết nối cảm xúc: Khi người tham gia được đặt mình vào vị trí của các nhân vật khác nhau, họ sẽ có sự đồng cảm hơn.
- Hình ảnh hóa vấn đề: Các vấn đề xã hội phức tạp được trình bày dưới dạng hữu hình, dễ liên tưởng.
- Phản biện tức thì: các giải pháp do khán giả (cộng đồng) đề xuất sẽ được công chúng phản biện tức thì. Điều này vừa giúp nâng cao tư duy phản biện, vừa mang lại góc nhìn đa chiều cho giải pháp, giúp cộng đồng tìm được giải pháp thực tế nhất cho vấn đề của mình.
- Khả năng tiếp cận: Kịch nói riêng và nghệ thuật nói chung phá vỡ rào cản ngôn ngữ và trình độ học vấn, giúp thông tin dễ tiếp cận hơn với đối tượng khán giả đa dạng.
Sân khấu diễn đàn và dự án Uốn uốn ván
Từ một cuộc khảo sát nhanh về mức độ quan tâm đối với 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến, uốn ván là bệnh ít được quan tâm thứ hai. Điều này dấy lên hồi chuông báo động về nhận thức đúng trong giới trẻ đối với căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt khi số ca uốn ván tại Việt Nam vẫn còn cao so với 20 năm trước.(1)
Bên cạnh tính chất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao (25 – 90% ở trẻ sơ sinh(2)), chi phí điều trị uốn ván rất cao. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chi phí điều trị ước tính của một ca uốn ván nặng và phức tạp có thể lên đến 200 triệu đồng.(3)
Nhận thấy tầm quan trọng cần nâng cao nhận thức của công chúng về mức độ nguy hiểm của bệnh uốn ván và khuyến khích tiêm chủng, các Đại sứ Kết Nối Khoa học (YSAs) đã quyết định chọn sân khấu diễn đàn làm công cụ truyền thông giúp thu hút nhiều người trẻ hơn, cả trực tiếp và trực tuyến.
Đoàn kịch Uốn Uốn Ván sẽ lưu diễn tại bốn trường đại học của TPHCM bao gồm ĐHKHXH&NV, ĐH Văn Hóa, ĐH Fulbright, và ĐH Văn Lang. Các bạn sinh viên tại bốn trường này đừng quên đến xem và thử tài biên kịch thay đổi kịch bản của mình nhé.
Nếu bạn tò mò vở kịch Uốn Uốn Ván sẽ có những cái kết bất ngờ nào do cộng đồng can thiệp và đề xuất, cùng chờ đón xem và trải nghiệm phiên bản số hóa của vở kịch này của OUCRU trong thời gian sớm nhất!
Tài liệu tham khảo:
- https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5239717/
- https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/nguy-kich-vi-chu-quan-voi-vet-thuong-nho-788223
- https://bvbnd.vn/uon-van-de-phong-ngua-van-khien-nhieu-nguoi-dan-ong-tan-doi/