Tìm hiểu thực trạng và nâng cao hiệu quả chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh thông qua bộ công cụ đánh giá phát triển dựa trên bối cảnh các bệnh viện tại châu Á
Phát triển công cụ đánh giá bổ sung cho các công cụ của WHO ở cấp quốc gia và cấp cơ sở y tế để hỗ trợ các bệnh viện đánh giá tình trạng triển khai hiện tại và đồng thời cải thiện việc thực hiện chương trình quản lý sử dụng kháng sinh.
Bối cảnh
Quản lý sử dụng kháng sinh (QLSDKS) là một chiến lược quan trọng trong kế hoạch hành động toàn cầu và ở cấp độ quốc gia nhằm chống lại kháng kháng sinh. Nhiều nguồn tài liệu quốc tế đã được xây dựng và phát triển nhằm hỗ trợ việc thiết kế và triển khai chương trình QLSDKS, tuy nhiên, phần lớn những tài liệu này chưa thực sự phù hợp với tình hình ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có các quốc gia châu Á.
Bộ công cụ của WHO hướng đến bối cảnh các nước thu nhập thấp và trung bình mô tả những chỉ số khác nhau để đánh giá tác động của chương trình QLSDKS ở cấp cơ sở, nhưng chưa bao gồm các chi tiết về bối cảnh triển khai cụ thể của các can thiệp ở những địa điểm có nguồn lực còn hạn chế này. Hơn nữa, hiểu được nhu cầu, tính thực tế triển khai trong bối cảnh các quốc gia châu Á và việc có thể theo dõi tiến trình theo thời gian là chìa khóa để hỗ trợ các cơ sở y tế tại châu Á cải thiện việc thực hành sử dụng kháng sinh.
Do đó, một công cụ đánh giá dựa trên bối cảnh cụ thể, thiết thực và đáp ứng được các điều kiện của địa phương là cần thiết nhằm hỗ trợ các cơ sở y tế triển khai và duy trì việc thực hiện chương trình QLSDKS tại châu Á. Công cụ đánh giá này cũng sẽ bổ sung cho các công cụ của TCYTTG ở cấp quốc gia và cấp cơ sở y tế để hỗ trợ các bệnh viện đánh giá tình trạng triển khai hiện tại và đồng thời cải thiện việc thực hiện chương trình QLSDKS của họ.
Mục tiêu nghiên cứu
Phát triển, đánh giá và thẩm định một bộ công cụ đánh giá phát triển dựa trên bối cảnh cụ thể của chương trình QLSDKS kết hợp với nhóm nghiên cứu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (Mạng lưới DASON, CDC Hoa Kỳ) và các đối tác trên toàn cầu, được xây dựng từ các tài liệu hướng dẫn và kinh nghiệm sẵn có
Tìm hiểu thực trạng hiện tại của việc triển khai chương trình QLSDKS (các thành tố cốt lõi, chính sách và thực hành, can thiệp, chỉ số đánh giá) sử dụng bộ công cụ đánh giá sẵn có của Tổ chức Y tế Thế giới (cấp quốc gia) và bộ công cụ đánh giá mới được phát triển (cấp bệnh viện) ở 4 quốc gia với mức độ kinh tế khác nhau tại châu Á
Tìm hiểu về các nguồn lực hiện có hỗ trợ cho chương trình QLSDKS ở cấp quốc gia và cấp độ bệnh viện, sự hỗ trợ từ các cấp bao gồm Bộ Y tế và các sở Y tế, các chương trình tập huấn đào tạo, các quá trình và yếu tố ảnh hưởng đến các hoạt động QLSDKS và các can thiệp và nhu cầu để triển khai chương trình tại các bệnh viện trong nghiên cứu ở 4 quốc gia tại châu Á
Mô tả các yếu tố góp phần vào sự thành công/ chưa hiệu quả của các can thiệp QLSDKS tại các bệnh viện trong mạng lưới ở 4 quốc gia tại châu Á
Bảng tự đánh giá dành cho nhóm QLSDKS tại các cơ sở y tế (CORE): gồm 68 câu hỏi bao phủ 5 thành tố cốt lõi liên quan đến thực hành QLSDKS: (1) Cam kết hỗ trợ từ lãnh đạo và trách nhiệm; (2) Nguồn lực; (3) Giáo dục và đào tạo; (4) Các hành động QLSDKS cụ thể; và (5) Theo dõi, giám sát và báo cáo sử dụng kháng sinh.
Bảng khảo sát Kiến thức, thái độ và nhận thức (KAP) dành cho nhân viên y tế: gồm 41 câu hỏi về kiến thức, thái độ và nhận thức liên quan đến sử dụng kháng sinh, QLSDKS và kháng kháng sinh.
Triển khai Bộ công cụ đánh giá:
Ở cấp độ quốc gia:
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu thực trạng hiện tại của việc triển khai chương trình QLSDKS ở cấp độ quốc gia về các thành tố cốt lõi tại bốn quốc gia châu Á bằng cách sử dụng bộ công cụ đánh giá việc triển khai chương trình QLSDKS cấp quốc gia của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG). Kết quả tổng quan của việc thực hiện chương trình QLSDKS ở cấp quốc gia của bốn quốc gia châu Á được thể hiện trong hình dưới đây.
Ở cấp độ bệnh viện:
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu tình hình hiện tại của việc triển khai chương trình QLSDKS tại 16 bệnh viện ở Indonesia, Nepal, Thái Lan và Việt Nam bằng hai công cụ đánh giá mới được xây dựng (CORE và KAP). 108 cuộc phỏng vấn sâu đã được thực hiện với các thành viên của Ban QLSDKS hoặc những cán bộ y tế được lãnh đạo bệnh viện chỉ định là người chịu trách nhiệm phản hồi về các lĩnh vực QLSDKS cụ thể trong bộ công cụ đánh giá CORE. Hình 2 thể hiện kết quả chính theo từng thành tố cốt lõi của chương trình QLSDKS tại các bệnh viện tham gia nghiên cứu.
Bên cạnh đó, công cụ khảo sát KAP được sử dụng để thu thập thông tin về kiến thức, thái độ và nhận thức liên quan đến chương trình QLSDKS, thực hành kê đơn kháng sinh và kháng kháng sinh của nhân viên y tế. 291 bác sĩ, dược sĩ, cán bộ/bác sĩ vi sinh và điều dưỡng đã hoàn thành bảng khảo sát tại 16 bệnh viện ở bốn quốc gia châu Á.
Hội thảo:
Vào ngày 25 tháng 10 năm 2022, nhóm nghiên cứu đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến nhằm khởi động giai đoạn triển khai của dự án, với sự tham gia của 102 đại biểu đến từ các bệnh viện trong mạng lưới nghiên cứu và các bên liên quan thông qua hệ thống Zoom.
Hội thảo quốc gia về triển khai chương trình QLSDKS tại Việt Nam được tổ chức vào ngày 30 tháng 8 năm 2023 với sự tham gia của đại diện các bên liên quan để thảo luận và phản hồi về công cụ của TCYTTG về đánh giá việc triển khai chương trình QLSDKS cấp quốc gia và kết quả đánh giá cấp quốc gia.
Tại hội thảo khu vực diễn ra ở Băng Cốc, Thái Lan vào ngày 13–14 tháng 9 năm 2023, tất cả các thành viên nhóm nghiên cứu và đại diện các đối tác địa phương từ bốn quốc gia đã chia sẻ kết quả đánh giá và thảo luận về các bước tiếp theo nhằm cải thiện các công cụ đánh giá, khả năng ứng dụng của bộ công cụ và các hoạt động để hỗ trợ tối ưu hóa thực hành kê đơn kháng sinh tại các cơ sở y tế ở Châu Á.
Báo cáo
Báo cáo đánh giá thực trạng triển khai chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh ở cấp độ quốc gia tại Indonesia, Nepal, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo đánh giá thực trạng triển khai chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh tại từng bệnh viện trong mạng lưới nghiên cứu ở 4 quốc gia: Indonesia, Nepal, Thái Lan và Việt Nam.
Huong Thi Lan Vu, Raph L Hamers, Ralalicia Limato, Direk Limmathurotsakul, Abhilasha Karkey, Elizabeth Dodds Ashley, Deverick Anderson, Payal K Patel, Twisha S Patel, Fernanda C Lessa, H Rogier van Doorn