AMR: Development Of Two Community-Based Interventions Targeting Inappropriate Antibiotic Dispensing And Use Behaviours In Rural Vietnam

Quỹ tài trợ
Hội đồng Nghiên cứu Y Khoa, Vương Quốc Anh

Chủ nhiệm đề tài
Dr Sonia Lewycka
Đặng Đức Anh

Location
Tỉnh Nam Định, Việt Nam

Nghiên cứu về sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc giải quyết tình trạng kháng kháng sinh. Đây là một phương pháp hiệu quả để dẫn tới hành động và thay đổi các thói quen hiện tại, đặc biệt ở những nơi bị tác động bởi nhiều yếu tố xã hội, văn hóa và kinh tế.

Bối cảnh nghiên cứu

Kháng kháng sinh là vấn đề nổi trội được cộng đồng y tế toàn cầu công nhận là một mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu sâu về kiến thức, thái độ và hành vi của cộng đồng liên quan đến việc sử dụng kháng sinh, và các nguyên nhân văn hoá và xã hội của việc sử dụng không phù hợp. Tình trạng này đặc biệt xảy ra ở Việt Nam, nơi mức độ kháng kháng sinh thuộc hàng cao nhất thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2010, tiêu thụ kháng sinh sử dụng cho người đã tăng 35% trên toàn thế giới. Trong đó, có sự gia tăng nghiêm trọng trong việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh là biện pháp cuối cùng, đặc biệt là ở các nước có thu nhập trung bình.

Việc giảm sử dụng kháng sinh không phù hợp có thể giảm tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh trong toàn bộ dân số ở các nước có thu nhập cao. Tuy nhiên, chưa có nhiều đánh giá về các can thiệp ở cấp độ dân số nhằm giảm sử dụng kháng sinh ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC), đặc biệt là các nước có gánh nặng bệnh truyền nhiễm và kháng kháng sinh cao hơn.

Nghiên cứu này sẽ được thực hiện tại các cộng đồng nông thôn ở Việt Nam, nơi tập trung 2/3 dân số và có mức độ kháng kháng sinh thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhu cầu sử dụng kháng sinh trên cả người và động vật rất cao, phần lớn được cung cấp thông qua các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn thuốc.

Các biện pháp can thiệp nhằm giảm tiêu thụ kháng sinh một cách bền vững ở cấp độ dân cư sẽ cần hướng tới cả nguồn cung và nhu cầu sử dụng kháng sinh từ những nguồn chính tức và cả không chính thức.

Về phía nguồn cung, việc chẩn đoán nhanh chóng với chi phí thấp đã được chứng minh là làm giảm việc phân phối thuốc kháng sinh không cần thiết. Tại Việt Nam, các xét nghiệm chẩn đoán nhanh (RDT) trong cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, sử dụng protein phản ứng C đánh dấu sinh học (CRP) để phân biệt giữa bệnh do vi khuẩn và không do vi khuẩn, đã được chứng minh là làm giảm khoảng 20% việc sử dụng kháng sinh không cần thiết đối với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, việc giảm nguồn cung thông qua hệ thống chăm sóc sức khỏe chính thức có thể hạn chế tác động đến dân số. Ví dụ, trong nghiên cứu CRP này, nhiều bệnh nhân không được kê đơn thuốc kháng sinh tại các trung tâm y tế ban đầu đã đi mua thuốc ở nơi khác. Nhìn chung, điểm chăm sóc đầu tiên cho nhiều người mắc bệnh nhẹ lại là một nhà thuốc tư nhân gần nhà, nơi khoảng cách di chuyển và thời gian chờ đợi thường ngắn hơn là tới bệnh viện.

Hiện chưa có tiền lệ xét nghiệm máu tại các hiệu thuốc và chúng ta cũng chưa hiểu rõ thái độ và nhu cầu sử dụng những xét nghiệm này của bệnh nhân, cũng như số tiền người bệnh sẵn sàng trả, hay mức giá mà người bán có thể chấp nhận là có lời hơn việc bán thuốc kháng sinh. Việc tìm hiểu cách cộng đồng hiện đang sử dụng các hiệu thuốc như thế nào, cũng như những thách thức tiềm ẩn đối với việc giới thiệu CRP-RDT thông qua hiệu thuốc, là điều cần thiết để cung cấp thông tin và thiết kế các biện pháp can thiệp.

Về phía cầu, nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh của người bệnh thường được coi là đủ lý do để kê đơn hoặc phân phát thuốc. Hầu hết các nghiên cứu xung quanh việc sử dụng kháng sinh không phù hợp thường tập trung nghiên cứu người kê đơn và địa điểm cấp phát thuốc kháng sinh. iệc tự mua thuốc khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng câu hỏi về việc cộng đồng có hiểu biết như thế nào về điều trị bệnh và vai trò của thuốc kháng sinh thì vẫn chưa được tìm hiểu một cách trọn vẹn. Các nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng kháng sinh không phù hợp có thể là do nhiều yếu tố. Do vấn đề này khá phức tạp và có nhiều động lực xã hội khác nhau, nó cần được tiếp cận một các toàn diện với các biện pháp can thiệp xã hội sâu sát hơn.

Hầu hết các nghiên cứu thu hút người sử dụng thuốc kháng sinh đều sử dụng phương pháp giáo dục sức khỏe thụ động thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng, áp phích, tờ rơi và trang web. Tuy nhiên, sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc giải quyết vấn đề có thể là cách hiệu quả hơn để dẫn tới hành động và thay đổi các thói quen hiện tại, so với việc chỉ đơn giản là nâng cao nhận thức. Điều này đặc biệt quan trọng ở những nơi bị tác động bởi nhiều yếu tố xã hội, văn hóa và kinh tế.

Sự tham gia của cộng đồng là một thành phần quan trọng nếu muốn tạo ra hệ thống y tế lấy người dân làm trọng tâm. Trước đây, chúng ta đã thấy sự thành công của các biện pháp can thiệp huy động cộng đồng, sử dụng các phương pháp hành động có sự tham gia của cộng đồng để thay đổi hành vi và cải thiện hiệu quả đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ em và các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác.

Phương pháp nghiên cứu:

Giai đoạn phát triển biện pháp can thiệp

Để thực hiện các thử nghiệm can thiệp trên quy mô lớn, chúng ta cần phát triển các biện pháp can thiệp có thể nhân rộng dựa trên lý thuyết thay đổi và mô hình logic. Bước đầu tiên trong việc thiết kế nghiên cứu là tìm hiểu nhận thức và các hành vi hiện tại trong cộng đồng liên quan đến việc sử dụng kháng sinh và kháng thuốc, và đối chiếu với các tài liệu nghiên cứu rộng hơn. Chúng ta cũng cần tìm ra các biện pháp can thiệp mà người tham gia có thể chấp nhận và có thể thực hiện được. Giai đoạn này sẽ giúp phát triển và thí điểm các can thiệp tiềm năng ở ba cấp độ – cộng đồng, cửa hàng thuốc tư nhân và trường học.

a) Cộng đồng Nghiên cứu sẽ tìm hiểu các phương thức tham gia và nội dung của các thông điệp sức khỏe, trong đó cộng đồng đóng vai trò chính. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sẽ tìm hiểu các yếu tố xã hội và các khó khăn thực tế có thể cản trở (hoặc tạo điều kiện tốt) để thực hiện các biện pháp can thiệp. Nghiên cứu sẽ sử dụng phương pháp tiếp cận trực quan do cộng đồng dẫn dắt, cũng như phát triển một video tuyên truyền ngắn cho cộng đồng. Những tài liệu này sẽ được sử dụng để bổ trợ cho thảo luận nhóm trong nghiên cứu chính trong giai đoạn thực hiện.

b) Các cửa hàng thuốc tư nhân: Nghiên cứu sẽ thí điểm xét nghiệm CRP tại các hiệu thuốc và đánh giá chất lượng trải nghiệm của người dùng và nhà cung cấp, nhằm phát triển can thiệp mở rộng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sẽ khám phá thị trường cho các xét nghiệm CRP-RDT, xem xét khả năng kinh tế của người dùng và người bán, để định vị các xét nghiệm này là sản phẩm hữu ích với giá cả phải chăng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sẽ làm việc với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác để tìm hiểu những thách thức và rào cản tiềm ẩn trong việc áp dụng phương pháp xét nghiệm tại hiệu thuốc.

c) Trường học: Nghiên cứu sẽ phát triển và thí điểm các tài liệu trực quan cho phụ huynh có con em học mẫu giáo và trung học cơ sở.

Mục tiêu:

  • – Nghiên cứu dân tộc học nhằm mục đích tìm hiểu bối cảnh xã hội và văn hóa của việc sử dụng kháng sinh và phân phối kháng sinh ở các cộng đồng nông thôn tại Việt Nam.
  • – Nghiên cứu phương tiện truyền thông do cộng đồng dẫn dắt sẽ sử dụng nhiếp ảnh và phim để phát triển các tài liệu trực quan về việc sử dụng kháng sinh, nhằm khuyến khích thảo luận và phát triển các nguồn tài liệu trực quan để chia sẻ cho các cộng đồng khác.
  • – Nghiên cứu thí điểm xét nghiệm CRP tại các hiệu thuốc nhằm tìm hiểu nhận thức của cộng đồng và tính khả thi của việc giới thiệu các xét nghiệm CRP-RDT tại hiệu thuốc.
  • – Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng chi trả nhằm tìm hiểu xem khách hàng sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một xét nghiệm CRP-RDT.
  • – Nghiên cứu tại các trường mẫu giáo nhằm phát triển và thí điểm các tài liệu giáo dục về việc sử dụng kháng sinh thích hợp cho phụ huynh hoặc trẻ em chưa đi học.
  • – Nghiên cứu tại các trường trung học cơ sở nhằm phát triển và thí điểm trò chơi điện tử nhằm nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh cho các em học sinh.
Skip to content