Quỹ tài trợ
Quỹ Hợp tác NIHR-Wellcome trong Nghiên cứu Y tế Toàn cầu
Nghiên cứu viên chính
Dr Vũ Thị Lan Hương
Địa điểm nghiên cứu
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội
Bệnh viện bệnh nhiệt đới, TPHCM
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng
Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Đồng Tháp.
Chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh (QLSDKS) là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hành động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Việt Nam trong việc ứng phó với tình trạng kháng kháng sinh. Từ kết quả nghiên cứu định tính của chúng tôi triển khai tại 7 bệnh viện trong mạng lưới giám sát, nhằm tìm hiểu về những thách thức và cơ hội trong việc triển khai chương trình QLSDKS tại Việt Nam, cho thấy những khó khăn bao gồm thiếu nguồn lực; giao tiếp không hiệu quả giữa các bác sĩ lâm sàng, khoa dược và khoa vi sinh; và những thói quen sẵn có trong thực hành kê đơn của các bác sĩ.
Những vấn đề đáng chú ý trong thực hành kê đơn bao gồm: mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán nhiễm khuẩn thường không được lấy trước khi bắt đầu sử dụng kháng sinh; không điều chỉnh kháng sinh theo kết quả cấy; và sự do dự, thiếu tự tin của bác sĩ khi xuống thang kháng sinh hoặc chuyển đổi kháng sinh từ đường tĩnh mạch sang đường uống. Kháng sinh được kê đơn chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng và diễn tiến của bệnh, kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ và sự sẵn có của thuốc tại khoa dược.
Trên thế giới, các bài tổng quan ghi nhận kết quả chương trình QLSDKS có hiệu quả trong giảm tiêu thụ kháng sinh và cải thiện kết quả lâm sàng Một bài tổng quan gần đây về các nghiên cứu tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy tác động tích cực của chương trình QLSDKS. Tuy nhiên vẫn khó có thể đi đến kết luận cuối cùng về hiệu quả của can thiệp ở những nước này bởi vì chất lượng nghiên cứu còn thấp, sự khác biệt trong can thiệp và kết quả ở những nước này không mang tính đại diện cho các nước với điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, các phân tích kinh tế của chương trình QLSDKS nhằm hỗ trợ việc lập kế hoạch và triển khai tại cấp độ quốc gia cũng như bệnh viện còn hạn chế. Vì thế, cần có thêm những phân tích hiệu quả kinh tế toàn diện về vấn đề này để cung cấp thêm bằng chứng cho việc áp dụng chương trình QLSDKS tại các quốc gia có nguồn lực hạn chế như Việt Nam.
Nghiên cứu này được tiến hành thông qua bốn nghiên cứu nhánh:
Nghiên cứu nhánh 1: Chúng tôi áp dụng thiết kế chuỗi thời gian gián đoạn (ITS) để đánh giá tác động dựa trên dữ liệu thường quy trước và sau khi triển khai chương trình QLSDKS. Các chỉ số chính bao gồm: sử dụng kháng sinh, số ngày nằm viện, tử vong, chi phí điều trị và tỷ lệ kháng của các chủng vi khuẩn thường gặp.
Nghiên cứu nhánh 2: Nghiên cứu đánh giá gánh nặng kinh tế do kháng kháng sinh thông qua theo dõi tiến cứu các chỉ số về chi phí gián tiếp liên quan đến biến chứng lâu dài của nhiễm trùng ở bệnh nhân nhập viện do nhiễm CRE so sánh với các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn không kháng và các bệnh nhân khác.
Nghiên cứu nhánh 3: Nghiên cứu chi phí thực hiện chương trình QLSDKS, sử dụng phương pháp tiếp cận chi phí vi mô. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn và quan sát.
Từ kết quả tính toán chi phí và hiệu quả, chúng tôi xây dựng mô hình phân tích chi phí – hiệu quả và đánh giá xem chương trình AMS sẽ hiệu quả về mặt chi phí trong các trường hợp nào tại các bệnh viện ở Việt Nam. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, chúng tôi tiến hành tìm hiểu sự tham gia của bệnh nhân và học viên y khoa năm cuối trong chương trình QLSDKS. Các bằng chứng từ nghiên cứu này sẽ giúp cung cấp thông tin thực tế cho việc đề ra chính sách và triển khai các can thiệp nhằm cải thiện thực trạng sử dụng kháng sinh tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (LMIC) như Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho các nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này.