February 11, 2025

Phá vỡ rào cản: Kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học

Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học, được kỷ niệm vào ngày 11 tháng 2 hằng năm, là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, chỉ 35% lực lượng lao động trong các lĩnh vực STEM trên toàn cầu là phụ nữ. Đáng chú ý, tỷ lệ nữ giới tham gia vào các Học viện Khoa học Quốc gia chỉ đạt 12%. Tình trạng mất cân bằng này đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nơi tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động STEM lần lượt là 23% và 27%.

Sự chênh lệch này phản ánh các thách thức cố hữu mang tính hệ thống. Tình trạng “rò rỉ nhân tài” (leaky pipeline) và “trần kính” (glass ceiling) kéo dài, cùng với sự thiếu vắng của các hình mẫu phụ nữ thành công trong lĩnh vực STEM, đang cản trở nhiều phụ nữ thăng tiến trong lĩnh vực này.

Hình 1. “Rò rỉ nhân tài” của phụ nữ trong STEM. Nguồn: Kathleen Grogan

Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong STEM, chúng ta cần một cách tiếp cận toàn cầu, có sự hợp tác giữa các tổ chức và khu vực, đồng thời chú trọng đến việc điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp với bối cảnh địa phương. Thay vì áp dụng một mô hình chung, chúng ta cần tích cực chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, làm phong phú về góc nhìn và xây dựng các chiến lược phù hợp với từng điều kiện cụ thể.

Kỹ thuật viên Hồng Thương làm việc tại phòng xét nghiệm của OUCRU tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) tại Hà Nội.

Tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU), chúng tôi tự hào có một đội ngũ nhân viên với hơn 50% là nữ giới. Cam kết của chúng tôi về bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở phạm vị nội bộ. Năm 2018, chúng tôi đã thành lập Mạng lưới các Nhà lãnh đạo Khoa học Nữ OUCRU (OWLS), quy tụ các nhà khoa học và nhân viên hỗ trợ nghiên cứu nữ trên khắp các đơn vị của chúng tôi tại Việt Nam, Indonesia và Nepal

OWLS được thành lập với mục tiêu nâng cao nhận thức về bình đẳng giới thông qua các hoạt động cố vấn, đào tạo về lãnh đạo và sự đa dạng, cũng như tạo ra các cơ hội nghiên cứu. Từ một nhóm làm việc tình nguyện, OWLS đã nhận được tài trợ để phát triển thành một chương trình bài bản từ năm 2024.

Thông qua OWLS, chúng tôi đã đạt được một số cột mốc quan trọng:

  • Tiến hành khảo sát về rào cản giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực STEM tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018. Kết quả được công bố trên Tạp chí The Lancet.
  • Đồng chủ trì nhóm nghiên cứu Oxford Equity in Academia đầu tiên vào năm 2019 và đóng góp vào các xuất bản về cải thiện bình đẳng giới trong học thuật.
  • Tổ chức một hội thảo tư vấn nghề nghiệp tại Viện Wellcome Sanger, Vương quốc Anh vào năm 2020.
  • Tổ chức nhiều sự kiện nâng cao nhận thức, bao gồm trình chiếu các bài thuyết trình từ các hình mẫu phụ nữ thành công trong lĩnh vực STEM, nhằm truyền cảm hứng cho các nữ thanh niên theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Evelyne Kestelyn, Trưởng Đơn vị Thử nghiệm Lâm sàng tại OUCRU, chia sẻ: “Là một thành viên sáng lập của OWLS, tôi đã chứng kiến những tác động tích cực khi một tổ chức thực sự cam kết xây dựng văn hóa nghiên cứu đa dạng và công bằng.”

“Tại OUCRU, tỷ lệ các Chủ nhiệm Nghiên cứu là nữ giới đã tăng đáng kể từ 33% vào năm 2016 lên 60% vào năm 2024. Phụ nữ hiện nắm giữ gần 60% vị trí sau tiến sĩ, nhưng vẫn chưa hiện diện nhiều ở các vị trí học thuật cấp cao như Giáo sư và Phó Giáo sư.”

“Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, tôi cảm thấy có động lực và được tiếp thêm sức mạnh khi làm việc trong một môi trường mà ở đó, những bất bình đẳng giới được nhìn nhận và các nhà khoa học được tạo điều kiện để vượt qua những khó khăn mang tính hệ thống, đồng thời được khuyến khích phát huy hết khả năng của mình.”

Bijaya Laxmi Karanjit , Tiến sĩ Sabina Dongol (Trưởng Phòng thí nghiệm) và Tiến sĩ Sulochana Manandhar tại Phòng xét nghiệm Vi sinh của OUCRU mới được khánh thành ở Kathmandu, Nepal.

Trong tương lai gần, OWLS dự định mở rộng phạm vi khảo sát năm 2018 đến tất cả các đơn vị của OUCRU tại Việt Nam, Indonesia và Nepal. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là kiểm nghiệm lại những kết quả hiện hữu, mà còn hiệu chỉnh khảo sát cho phù hợp với bối cảnh riêng của từng địa điểm. Bằng cách mở rộng hợp tác với nhiều đối tác hơn, chúng tôi hy vọng sẽ thu thập được nhiều dữ liệu phong phú, và hiểu sâu hơn về biểu hiệu của bất bình đẳng giới ở các khu vực khác nhau.

Sau khi khảo sát, chúng tôi sẽ tiến hành phỏng vấn và thảo luận nhóm tập trung để tìm hiểu sâu hơn về những thách thức và rào cản cụ thể mà phụ nữ phải đối mặt trong STEM. Những cuộc thảo luận này sẽ giúp chúng tôi khám phá các yếu tố góp phần vào việc duy trì tình trạng bất bình đẳng giới, và quan trọng hơn, sẽ đảm bảo rằng các chiến lược của chúng tôi được xây dựng dựa trên thông tin thực tế và phù hợp với từng địa phương.

Khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học, chúng ta hãy tái khẳng định cam kết phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ trong STEM. Sự thay đổi bắt đầu bằng nhận thức, sự hợp tác và hành động! Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng khoa học toàn diện và công bằng hơn cho các thế hệ tương lai.

Skip to content