Nghiên cứu này là nỗ lực hợp tác giữa các nhà nghiên cứu từ Khoa Sức khỏe Phụ nữ và Sinh sản Nuffield (Đại học Oxford, Vương quốc Anh), Sera Prognostics (Hoa Kỳ), Bệnh viện Từ Dũ (Việt Nam) và Đơn vị Thử nghiệm Lâm sàng của OUCRU. Nghiên cứu được thực hiện trong hơn 800 ngày làm việc, với 268 trường hợp sinh non và 3.588 trường hợp sinh đúng kỳ được ghi nhận tại Bệnh viện Từ Dũ.
Nghiên cứu tập trung trả lời câu hỏi quan trọng: Việc đo nồng độ hai chất trong cơ thể phụ nữ mang thai (IGFBP4 và SHBG) có thể giúp dự đoán sinh non hay không? Kết quả này có thể cho chúng ta dấu hiệu cảnh báo sớm về sinh non, một mối lo ngại nghiêm trọng đối với các chuyên gia y tế và các gia đình trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Evelyne Kestelyn, Trưởng Đơn vị Thử nghiệm Lâm sàng tại OUCRU, nhận xét về sự thành công này: “Hợp tác quốc tế giữa các nhà nghiên cứu từ Mỹ, Anh và Việt Nam, cũng như những nỗ lực phối hợp của OUCRU và Bệnh viện Từ Dũ, là vô cùng quan trọng giúp thử nghiệm lâm sàng này có thể được thực hiện với cộng đồng tại Việt Nam. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng và đáng tin cậy hơn trong bối cảnh Đông Nam Á.”
Nghiên cứu đã tuyển thành công 5.000 người tham gia, với số lượng trường hợp ngừng tham gia trong quá trình nghiên cứu đặc biệt thấp, tổng cộng chỉ có 12 trường hợp. Ngoài ra, có 4 trường hợp rút hồ sơ, con số này là rất nhỏ nếu xét đến quy mô của nghiên cứu. Tỷ lệ duy trì cao của nghiên cứu nhấn mạnh sự cam kết và hiệu quả của nhóm làm việc khi thực hiện nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn trong khu vực.
Việc xác nhận hiệu quả của phương pháp dấu ấn sinh học này trong bối cảnh Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa do các yếu tố di truyền, dinh dưỡng và môi trường có thể ảnh hưởng đến kết quả sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bằng cách thử nghiệm dấu ấn sinh học trong bối cảnh này, OUCRU và các đối tác đảm bảo rằng công cụ này phù hợp và chính xác, có thể áp dụng rộng rãi hơn trên khắp Đông Nam Á.
Những phát hiện của nghiên cứu này có tiềm năng thay đổi cách quản lý các thai kỳ có nguy cơ sinh non trong khu vực. Với nghiên cứu sâu hơn và thiết lập các ngưỡng thích hợp cho tỷ lệ IGFBP4/SHBG, dấu ấn sinh học này có thể cho phép can thiệp sớm và áp dụng các chiến lược phòng ngừa để cải thiện sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
Để biết thêm chi tiết về nghiên cứu và ý nghĩa rộng hơn, vui lòng truy cập ấn phẩm trên Tạp chí Y học Bà mẹ – Thai nhi & Sơ sinh.