Assoc. Prof Le Van Tan, Head of the Emerging Infections research team at the Oxford University Clinical Research Unit (OUCRU), collaborates with colleagues to analyse the test results in the search for the causative agent of emerging infections.

October 19, 2023

OUCRU hỗ trợ TP. HCM ứng phó với bệnh nhiễm trùng mới nổi

Phối hợp với ngành y tế TP. HCM, OUCRU đã xác định thành công tác nhân chính gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ. Xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM cho thấy kết quả bất ngờ: enterovirus là tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ, khác mọi năm là adenovirus.

Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh – Trước sự xuất hiện gần đây của các bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ và đậu mùa khỉ, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã cống hiến không ngừng nghỉ để chống lại các mối đe dọa này. Ngành y tế tập trung đưa ra phương thức phòng chống bệnh phù hợp, xa hơn nữa là phát triển thuốc điều trị, vắc xin ngừa bệnh và điều đầu tiên là phải tìm được tác nhân gây bệnh.

Trong định hướng phát triển và hoạt động của ngành y tế TP.HCM năm 2023, Sở Y tế TP.HCM đã dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các loại dịch bệnh mới nổi vẫn còn là thách thức lớn đối với ngành y.

Việc xác định tác nhân gây bệnh phải chính xác 100%

PGS TS Lê Văn Tấntrưởng nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi thuộc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đóng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) – cho biết bệnh nhiễm trùng mới nổi có tính chất bất ngờ vì rất khó để dự đoán tác nhân nào sẽ trỗi dậy gây bệnh cho con người trong tương lai.

Do đó, nhóm đã xây dựng chương trình nghiên cứu với sự hợp tác chặt chẽ giữa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và OUCRU, đội ngũ luôn ở tâm thế sẵn sàng ứng phó nhanh với tình huống khó lường đến từ dịch bệnh. Điều này đã giúp nhóm nghiên cứu hiệu quả các bệnh nhiễm trùng mới nổi và hỗ trợ kịp thời cho Sở Y tế.

Đợt dịch bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh tại TP.HCM vừa qua, để tìm ra tác nhân gây bệnh trong thời gian ngắn nhất khi Sở Y tế TP.HCM yêu cầu, nhóm nghiên cứu đã làm việc xuyên đêm. Dù công việc luôn trong tình huống khẩn cấp, nhóm phải cân bằng giữa thời gian và sự chính xác, làm việc nhanh nhưng không bỏ qua chất lượng.

“Chúng tôi luôn đặt tiêu chí làm việc nhanh hiệu quả, nhưng kết quả phải chắc chắn, chính xác 100% trước khi cung cấp thông tin đến Sở Y tế TP.HCM. Không vì áp lực thời gian mà nóng vội đưa ra kết quả chưa chính xác”,

PGS Lê Văn Tấn, Trưởng nhóm nghiên cứu Các bệnh nhiễm trùng mới nổi tại OUCRU

Sau khoảng mười mấy tiếng thực hiện xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM, kết quả bất ngờ cho thấy enterovirus là tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ, khác mọi năm là adenovirus. Việc xác định tác nhân gây bệnh quan trọng này đóng vai trò là nền tảng cho các chiến lược phòng ngừa bệnh tật cũng như phát triển các loại thuốc điều trị và vắc xin.

“Nếu chỉ nghĩ đến adenovirus như mọi năm, không tiến hành xét nghiệm, giải mã gene, rồi kết luận adenovirus là tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM thì chúng ta đã bỏ sót vai trò của enterovirus trong đợt dịch bệnh đau mắt đỏ vừa qua.

Đối với bệnh nhiễm trùng mới nổi, điều đầu tiên là phải tìm được tác nhân gây bệnh, từ đó mới có cơ sở đưa ra phương thức phòng chống bệnh, phát triển thuốc điều trị và vắc xin ngừa bệnh phù hợp”, PGS Tấn chia sẻ.

Nâng cao năng lực xét nghiệm, hợp tác đa ngành, đa quốc gia

PGS Tấn cho hay mỗi loại bệnh khác nhau cần phải có cách tiếp cận khác nhau. Do đó cần phải luôn nâng cao năng lực xét nghiệm và nghiên cứu trong lĩnh vực bệnh nhiễm trùng mới nổi.

Theo đó, việc xây dựng mạng lưới nghiên cứu, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo nhân lực có chuyên môn cao là chìa khóa để có thể ứng phó nhanh với thách thức của dịch bệnh trong tương lai.

Ngoài ra sự hợp tác đa ngành, đa quốc gia kết hợp giữa các nhà lâm sàng, đội ngũ nghiên cứu, người làm dịch tễ, các nhà hoạch định chính sách y tế đóng vai trò quan trọng không kém.

Việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế cũng được OUCRU rất chú trọng. Hiện đơn vị đang triển khai dự án SEACOVARIANTS nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu về miễn dịch ở khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia và Thái Lan) với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia đến từ Anh, Mỹ và Singapore.

Ngoài việc phát hiện tác nhân gây bệnh bao gồm tầm soát các biến chủng của SARS-CoV-2, chương trình còn tập trung vào đào tạo đội ngũ nghiên cứu về miễn dịch giúp đánh giá nguy cơ đến từ các biến chủng mới của SARS-CoV-2, qua đó cung cấp thông tin cho việc phát triển vắc xin, phương thức phòng chống dịch bệnh phù hợp.

Bên cạnh đó, theo Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sắp tới bệnh viện và OUCRU sẽ tiến hành nghiên cứu về tác nhân viêm phổi cộng đồng thông qua chương trình PREPARE, hợp tác giữa các nước Đông Nam Á tạo nền tảng giúp khu vực có thể ứng phó tốt hơn với dịch bệnh nhiễm trùng mới nổi trong tương lai.

Nhóm xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và OUCRU

“Cuộc chiến” giữa loài người và vi sinh vật

Giáo sư Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho rằng bệnh nhiễm trùng là một thách thức bất tận từ khi loài người xuất hiện, là “cuộc chiến” không hồi kết giữa loài người và thế giới vi sinh vật. Và khi thế giới càng phát triển thì dịch bệnh càng khốc liệt. Điều này đã được các nhà khoa học tuyên bố và chứng minh. Khi dịch bệnh xuất hiện là cơ hội và thách thức để người chuyên ngành truyền nhiễm nhận sứ mệnh cao quý là tham gia cuộc chiến bất tận giữa loài người và thế giới vi sinh vật.

Ông Nguyễn Hồng Tâm – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – cho biết đơn vị có nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nâng cao năng lực chuyên môn xứng tầm với trọng trách được giao. HCDC cũng là đơn vị tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và quản lý sức khỏe cộng đồng tại thành phố.

Khi Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về bệnh truyền nhiễm mới nổi, ngành y tế vẫn luôn cảnh giác, tích cực hoạt động nhằm xác định chính xác các tác nhân gây bệnh đồng thời thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kiến ​​thức ở cả cấp độ khu vực và quốc tế. Thông qua những nỗ lực phối hợp này, thành phố đặt mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Bài viết gốc của Xuân Mai, Tuổi Trẻ News

Loading...
Skip to content