July 10, 2024

Nhóm cố vấn cộng đồng định hình nghiên cứu bệnh lao tại Việt Nam

Bài nghiên cứu của OUCRU, được xuất bản trên tạp chí Public Health Action, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu bệnh lao.

Bệnh lao (TB) vẫn là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Để phòng chống hiệu quả căn bệnh này, việc thu hút sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bệnh lao, vào quá trình nghiên cứu là vô cùng quan trọng.

Tại OUCRU, việc thành lập Nhóm Cố vấn Cộng đồng về bệnh Lao, bao gồm các tình nguyện viên khỏe mạnh và những bệnh nhân đã khỏi bệnh, tạo ra một diễn đàn đối thoại cởi mở giữa các nhà nghiên cứu và cộng đồng, từ đó tìm hiểu quan điểm về bệnh lao và việc thu thập mẫu bệnh phẩm nhằm phục vụ nghiên cứu. Người tham gia Nhóm Cố vấn Cộng đồng có hiểu biết tốt về đường lây truyền, triệu chứng và cách điều trị bệnh lao, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm.

Nghiên cứu này cũng thu nhận nhiều ý kiến giá trị của cộng đồng về phương pháp sàng lọc bệnh lao. Cụ thể, người dân ưu tiên chụp X-quang phổi và xét nghiệm máu hơn xét nghiệm đờm để sàng lọc bệnh lao. Điều này xuất phát từ hai lý do chính:

  • Dễ dàng thu thập mẫu: Người tham gia cho rằng chụp X-quang phổi và xét nghiệm máu thuận tiện hơn vì những phương pháp này có thể tích hợp vào các lần khám sức khỏe định kỳ. Ngược lại, việc lấy mẫu đờm được coi là khó khăn và gây khó chịu hơn.
  • Lo sợ lây nhiễm: Một số người tham gia cho rằng việc đến bệnh viện làm tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh lao. Họ tránh đến bệnh viện, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải cung cấp nhiều mẫu máu hơn, vì họ cho rằng việc lấy máu ít rủi ro hơn việc vào khu vực điều trị bệnh lao để lấy mẫu đờm.

Những hiểu biết này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét quan điểm của cộng đồng khi thiết kế các chương trình kiểm soát bệnh lao. Việc lựa chọn các phương pháp sàng lọc dễ chấp nhận hơn như chụp X-quang phổi hoặc xét nghiệm máu, măc dù đòi hỏi thêm nguồn lực, có thể cải thiện tỷ lệ khám sàng lọc và sự hài lòng của bệnh nhân. Ngoài ra, việc giải quyết các lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong quá trình đến bệnh viện là rất quan trọng để khuyến khích thăm khám sàng lọc cho bệnh lao.

Tác giả thứ nhất, TS. BS. Lê Hồng Vân chia sẻ: “Làm việc với nhóm Cố vấn Cộng đồng đã cho chúng tôi thấy rằng các nhà nghiên cứu cần tôn trọng quan điểm của cộng đồng vì họ vừa là đối tượng nghiên cứu vừa là người tiếp nhận kết quả nghiên cứu”.

Nhóm Cố vấn cộng đồng này nằm trong khuôn khổ chương trình Kết nối khoa học với cộng đồng, với mục tiêu xây dựng và duy trì sự tham gia của cộng đồng vào nghiên cứu bệnh lao. Bằng cách kết hợp tiếng nói của cộng đồng, OUCRU hướng đến việc thực hiện các nghiên cứu không chỉ chuẩn xác về mặt khoa học mà còn hợp lý về mặt đạo đức và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương.

Để tìm hiểu thêm về nghiên cứu, vui lòng truy cập bài báo.

Skip to content