Kháng kháng sinh (KKS) là một cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế-xã hội toàn cầu. Kháng Kháng sinh có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, động vật, và môi trường. Dù tác động vô cùng lớn, thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao nhận thức của công chúng nói chung và các bên liên quan nói riêng. Một cuộc khảo sát trực tuyến do WHO tổ chức với sự tham gia của gần 200 người thuộc nhiều lĩnh vực như sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường, đã cho thấy tính cấp thiết và nhu cầu nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động từ công chúng.(*)
Hằng năm, WHO chọn tuần lễ ngày 18-24/11 là Tuần lễ Nhận thức về Kháng kháng sinh Thế giới. Chiến dịch năm nay kêu gọi cộng đồng toàn cầu cần có nhiều hành động hơn để truyền tải kiến thức về AMR (giáo dục), vận động cam kết, và thực hiện hành động đối phó.
Mỗi người trẻ đều có thể trở thành Đại sứ Kháng Kháng Sinh
Giới trẻ có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại KKS. Không chỉ là lực lượng nền móng của tương lai, tại nhiều quốc gia, người trẻ độ tuổi từ 18 – 40 đã và đang được hưởng lợi từ chương trình giáo dục quốc gia đổi mới, tích hợp nhiều môn khoa học hiện đại, giúp họ dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin chất lượng cao, trong đó có kiến thức về AMR.
Người trẻ còn là nhóm dân số đông đảo bậc nhất truy cập và sử dụng mạng xã hội, internet, điều này giúp họ trở thành ‘đội ngũ truyền thông’ lý tưởng cho chiến dịch chống Kháng Kháng Sinh toàn cầu. Với lợi thế giao tiếp hiệu quả thông qua các kênh phổ biến, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, và có ảnh hưởng nhất định đến bạn bè, người trẻ có thể làm nên sự khác biệt khi được nâng cao năng lực và trao quyền.
Dự án Tuổi trẻ Phòng chống Kháng kháng sinh (Youth Against Antimicrobial Resistance – YAAR!) là một sáng kiến hướng đến sự thay đổi thông qua giáo dục. Cùng với nhóm Nghiên cứu Hành động Thanh niên, dự án đã tạo nên một khung học tập được thiết kế để giáo dục và nâng cao nhận thức về AMR phù hợp với nhiều nhóm tuổi. Khung này là một công cụ giảng dạy hữu ích tích hợp kiến thức về AMR vào bất cứ chương trình hay hoạt động giáo dục nào, giúp người trẻ trở thành phát ngôn viên chống Kháng Kháng Sinh trong tương lai, cũng như góp phần thúc đẩy khả năng đưa ra quyết định dựa trên khoa học, tìm kiếm tư vấn từ chuyên gia y tế trước khi sử dụng kháng sinh và hiểu tầm quan trọng của tiêm chủng của thế hệ này.
Cùng cách tiếp cận với YAAR!, từ năm 2022, “Cùng người trẻ chống Kháng Kháng Sinh”, một dự án mới từ OUCRU Nepal, đã thu hút sự tham gia của thanh niên từ nhiều bối cảnh khác nhau như trường học và các câu lạc bộ thanh niên ở Kathmandu.
Bên cạnh đó, phòng Kết nối Khoa học với Công chúng và Cộng đồng của OUCRU Nepal cũng tổ chức nhiều buổi thảo luận giữa các nhà khoa học và người trẻ, các sự kiện công cộng định kỳ hàng năm thu hút hàng trăm người tham gia, như đua xe đạp, đi bộ marathon, cuộc thi vẽ, cuộc thi hùng biện và các quán cà phê khoa học.
Nhóm Tư vấn Thanh niên và Nhóm Nghiên cứu Hành động Thanh niên
Tại OUCRU, người trẻ có thể tham gia và đóng góp ý kiến vào nghiên cứu thông qua các nhóm tư vấn và nhóm nghiên cứu hành động.
Dự án “Cùng người trẻ chống Kháng Kháng Sinh” đã sử dụng mô hình nhóm tư vấn thanh niên để chọn hình thức và tổ chức các sự kiện hấp dẫn nơi thanh niên cùng biểu diễn kịch hài, chia sẻ câu chuyện cá nhân, và có những trải nghiệm học tập bổ ích và không nhàm chán.
Quan điểm của giới trẻ đặc biệt quan trọng cho các dự án chuẩn bị và đối phó với các kịch bản khủng hoảng có thể xảy ra, vì đây chính là thế hệ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. Trong dự án Sáng kiến Đông Nam Á Chống lại Các Biến thể SARS-CoV-2 (SEACOVARIANTS), Nhóm Nghiên cứu Hành động Thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khoảng hụt truyền thông giữa chính phủ/các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng dễ bị tổn thương. Nhóm đã đề xuất và đang phát triển một khung truyền thông để có thể kết nối hiệu quả hơn với các cộng đồng này trong các tình huống dịch bệnh.
Điểm mạnh của Giới trẻ: Sáng tạo và Đam mê
Đại sứ Kết nối với Khoa học, một dự án Kết nối với Thanh niên của phòng Kết Nối Khoa Học với Công chúng và Cộng đồng của OUCRU, đã mang lại nhiều ý tưởng mới mẻ. Collab Lab là một trong những thành tựu nổi bật của nhóm. Chọn mục tiêu giúp các bài báo khoa học về chủ đề y tế và môi trường toàn cầu trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn, Collab Lab đã hoạt hình hóa nhiều bài báo khoa học, bao gồm các dự án về AMR trong nhiều lĩnh vực như bệnh truyền từ động vật sang người, sốt xuất huyết, sốt rét v.v… Các video của Collab Lab thường bắt đầu bằng một tình huống đời thường quen thuộc, sử dụng ngôn ngữ thân thiện, xen kẽ nhiều tiếng lóng hài hước, giúp video dễ thu hút sự chú ý của giới trẻ hơn.
Các hoạt động kết nối với thanh niên của OUCRU không chỉ giới hạn ở việc thành lập các nhóm tư vấn mà còn mở rộng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và các tổ chức thanh niên địa phương để trao quyền cho giới trẻ phát triển và triển khai các giải pháp cho chính cộng đồng của họ.
Nhóm Kết Nối Khoa Học với Công chúng và Cộng đồng của OUCRU tại Indonesia đã phối hợp với CIMSA, tổ chức hỗ trợ sinh viên y khoa được thành lập từ năm 2001, thực hiện loạt video phỏng vấn 3 phút với sự tham gia của nhiều nhóm tuổi bao gồm nhóm 18-25 tuổi và nhóm 26-45 tuổi. Video sẽ đề cập đến vấn đề lạm dụng kháng sinh ở người và khuyến khích việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, nhằm giúp nâng cao nhận thức và hướng đến giải quyết tình trạng sử dụng thuốc không kê đơn ở Indonesia, nơi mọi người thường sẽ đi mua “mấy viên thuốc” mỗi khi cảm thấy không khỏe.
Giới trẻ sẽ là lực lượng then chốt trong hành trình vận động thay đổi hành vi
Cùng OUCRU nhìn lại các sản phẩm truyền thông từ hoạt động kết nối công chúng và cộng đồng để hỗ trợ phòng chống kháng kháng sinh tại đây.
Thông qua các hoạt động này cũng như nhiều dự án trong tương lai, OUCRU hướng đến mục tiêu trao quyền cho giới trẻ trở thành những người có ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè và cộng đồng địa phương, từ đó lan tỏa thông điệp phòng chống kháng kháng sinh cũng như thúc đẩy quá trình từ bỏ hành vi xấu, thiết lập các hành vi sử dụng kháng sinh phù hợp.