October 4, 2024

Nghiên cứu về chăm sóc cuối đời tại Việt Nam

Cái chết là một chủ đề nhạy cảm trong văn hóa Việt Nam. Lưu Phước An, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại OUCRU, đang góp phần giải mã những vấn đề phức tạp xung quanh chăm sóc cuối đời tại bệnh viện. Nghiên cứu của chị hứa hẹn mang đến những thay đổi tích cực, giúp bệnh nhân và gia đình đối diện với mất mát một cách nhẹ nhàng hơn.

Điều gì đã thôi thúc chị nghiên cứu về chăm sóc cuối đời, một đề tài còn mới tại Việt Nam?

Tôi bắt đầu quan tâm đến chăm sóc cuối đời khi làm việc cho dự án VITAL tại OUCRU. Đây là dự án đổi mới, nâng cao kỹ thuật cho các phòng điều trị tích cực tại bệnh viện Việt Nam.

Mỗi năm có hàng trăm ngàn người qua đời vì bệnh nặng, và nhu cầu chăm sóc cuối đời ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế. Làm việc tại phòng điều trị tích cực suốt thời gian đại dịch COVID-19, chứng kiến bệnh nhân và gia đình họ đấu tranh với bệnh tật và nỗi đau, tôi cảm thấy vô cùng xót xa.

Điều đó đã thôi thúc tôi nghiên cứu để cải thiện chất lượng chăm sóc cuối đời ở Việt Nam. Tôi muốn góp phần mang đến sự chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, hỗ trợ gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên y tế.

Theo chị, các yếu tố văn hóa ảnh hưởng thế nào đến việc chăm sóc bệnh nhân cuối đời?

Phong tục tập quán của người Việt rất coi trọng việc phụng dưỡng người già, chăm sóc người bệnh. Thay vì đối mặt với sự cô đơn, lạnh lẽo của bệnh viện, nhiều người bệnh mong muốn được sống những ngày cuối đời tại nhà, được ra đi trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Trong giai đoạn cuối đời, nhiều bệnh nhân cũng lựa chọn từ chối các biện pháp điều trị xâm lấn, ưu tiên dành thời gian bên gia đình và người thân.

Các y bác sĩ, vừa là người thầy thuốc, vừa là người bạn đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân và gia đình. Tuy vậy, với thực trạng quá tải trong y tế, hầu hết nhân viên y tế không đủ thời gian để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nâng đỡ tinh thần cho người bệnh.


Đâu là những khó khăn thường gặp ở người bệnh đang trải qua những tháng ngày cuối đời và gia đình họ?

Nói đến bệnh tật là không chỉ nói về nỗi đau thể xác. Bệnh tật còn là gánh nặng tài chính và thử thách tinh thần cho mọi thành viên trong gia đình có người bệnh. Khi người thân thân nằm trong phòng điều trị tích cực, gia đình đối diện với nỗi lo sinh tử của người bệnh và cả gánh nặng chi phí điều trị, ngay cả khi đã có bảo hiểm y tế.

Nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng, gia đình phải đưa ra quyết định đau lòng: tiếp tục điều trị với chi phí cao, khi tiên lượng sống gần như không còn; hoặc xin về chăm sóc tại nhà để người bệnh được an ủi cuối đời.

Khi đưa người thân về nhà chăm sóc, gánh nặng chi phí vẫn đeo đuổi cả gia đình vì họ phải gánh gồng mọi chi trả cho thuốc men, dụng cụ y tế, dinh dưỡng chuyên biệt… Với nhiều gia đình, đây là một áp lực thật sự.

Chị có thể chia sẻ thêm những khó khăn của nhân viên y tế trong phòng điều trị tích cực?

Phòng điều trị tích cực là nơi điện sáng và máy móc hoạt động 24/24 giờ, không có giây phút ngơi nghỉ. Nhân viên làm việc trong môi trường áp lực cao. Tại đây, các y bác sĩ phải đối mặt với những thách thức y khoa, và trong nhiều trường hợp, phải vượt qua cảm xúc bất lực và vật lộn với những vấn đề đạo đức phức tạp liên quan đến chăm sóc cuối đời.

Tại phòng điều trị tích cực, bác sĩ thường phải đưa ra những tư vấn khó khăn với người nhà về việc duy trì hay rút bỏ các biện pháp hỗ trợ sự sống. Điều này đòi hỏi không chỉ kiến thức y khoa sâu rộng mà còn cả sự thấu hiểu về mặt tâm lý và xã hội của bệnh nhân và gia đình. Ở nhiều quốc gia, luôn có ban cố vấn để hỗ trợ bác sĩ và người nhà bệnh nhân trong các quyết định khó khăn này. Tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Việc chứng kiến bệnh nhân ra đi và phải đối mặt với nỗi đau khổ của gia đình người bệnh là một trải nghiệm vô cùng nặng nề. Nhiều nhân viên ICU đã bị kiệt sức và căng thẳng kéo dài, đặc biệt là trong thời gian đại dịch COVID-19. Thiếu hụt các chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm lý và các chính sách bảo vệ sức khỏe đã làm trầm trọng thêm tình trạng kiệt sức nghề nghiệp, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực khác trên nhân viên y tế.

Đâu là giải pháp cho những thách thức trên?

Trước hết, chúng ta có thể vận động triển khai các chính sách ưu đãi và hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ tại nhà. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân được chăm sóc trong môi trường quen thuộc, giảm gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và mở rộng các trung tâm cộng đồng hoặc dịch vụ chăm sóc cuối đời, chăm sóc giảm nhẹ chuyên nghiệp. Từ đó, người bệnh và thân nhân người bệnh có thêm nhiều lựa chọn chăm sóc đa dạng, đáp ứng nhu cầu cá nhân.

Các cơ quan, đơn vị y tế cũng cần tăng cường đào tạo về chăm sóc cuối đời cho đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là về các vấn đề đạo đức và giao tiếp. Điều này sẽ giúp họ nâng cao năng lực chuyên môn, tự tin hơn trong việc đưa ra các quyết định lâm sàng và chăm sóc cho bệnh nhân.

Nghiên cứu xã hội giúp ích gì trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc cuối đời?

Nghiên cứu xã hội là chìa khóa để giải quyết những thách thức trong chăm sóc cuối đời tại Việt Nam. Bằng cách tiến hành các nghiên cứu, chúng ta có thể xác định nhu cầu cụ thể của bệnh nhân và gia đình. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện các chính sách về chăm sóc cuối đời.

Hơn nữa, tôi tin rằng nghiên cứu có thể nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chăm sóc cuối đời, từ đó khuyến khích cách tiếp cận nhân văn, hiệu quả hơn.

Những khó khăn chị gặp phải khi nghiên cứu về chăm sóc cuối đời, một đề tài khá nhạy cảm?

Tính chất nhạy cảm của chủ đề chăm sóc cuối đời là một trong những thách thức lớn nhất của tôi khi thực hiện nghiên cứu này. Việc mở lòng chia sẻ về mất mát và đau buồn là điều không dễ dàng đối với nhiều người, đặc biệt là trong văn hóa Việt Nam. Do đó, việc thu thập dữ liệu và thông tin từ các gia đình đang trải qua giai đoạn mất mát đòi hỏi sự tế nhị và tôn trọng rất cao.

Khó khăn kế đến là nguồn dữ liệu về chủ đề này còn ít. Là một lĩnh vực còn khá mới, nên số lượng nghiên cứu và dữ liệu hiện có còn rất ít. Điều này khiến việc tìm kiếm thông tin tham khảo và xây dựng khung lý thuyết cho nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, tôi tin rằng những thách thức này có thể được vượt qua. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô giám sát và sự hỗ trợ từ Nhóm Kết Nối Khoa Học với Công Chúng và Cộng Đồng tại OUCRU, tôi đang từng bước tiếp cận cộng đồng và thu thập dữ liệu.

Đặc biệt, tiềm năng áp dụng các thiết bị giám sát sinh hiệu giá phải chăng do OUCRU phát triển qua dự án VITAL hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới để nâng cao chất lượng chăm sóc cuối đời và thu thập dữ liệu một cách hiệu quả hơn.

Theo chị, nhận thức xã hội về cái chết tại Việt Nam có gì thay đổi những năm gần đây?

Tôi nhận thấy một số thay đổi đáng kể trong cách chúng ta đối diện với cái chết. Ở các thành phố lớn, việc tổ chức lễ tang tại nhà tang lễ đang dần trở nên phổ biến hơn. Tại các khu chung cư, người dân cũng quen với việc lựa chọn nhà cộng đồng của khu dân cư thay vì tổ chức tại nhà.

Đồng thời, giới trẻ cũng có cái nhìn tích cực hơn về cái chết, thể hiện qua việc tăng số lượng người hiến tạng, hiến xác. Những xu hướng này cho thấy một sự chuyển dịch trong nhận thức xã hội về cái chết, từ quan niệm truyền thống sang một quan điểm cởi mở và nhân văn hơn.

Kế hoạch của chị trong tương lai?

Tôi rất mong muốn được đóng góp vào việc cải thiện chất lượng chăm sóc cuối đời tại Việt Nam. Việc theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Oxford sẽ giúp tôi tiếp cận những kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến nhất về chăm sóc giảm nhẹ.

Tôi hy vọng sẽ xây dựng một mô hình thí điểm chăm sóc cuối đời dựa vào cộng đồng tại Việt Nam, nơi mà bệnh nhân và gia đình có thể nhận được sự hỗ trợ toàn diện và nhân văn.

Chăm sóc cuối đời tại bệnh viện là một vấn đề phức tạp đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm các nhân viên y tế, bệnh nhân, gia đình, và các nhà hoạch định chính sách. Thông qua nghiên cứu của mình, tôi mong muốn đưa ra những đề xuất thiết thực nhằm giảm thiểu áp lực tâm lý cho nhân viên y tế, và xây dựng một hệ thống chăm sóc cuối đời nhân văn, toàn diện hơn.


Chị Lưu Phước An đã xuất sắc nhận được học bổng OUCRU Prize Studentship 2023 để theo đuổi chương trình nghiên cứu Tiến sĩ tại Khoa Y Nuffield, Đại học Oxford, Vương Quốc Anh.

Tìm hiểu về chương trình đào tạo tiến sĩ tại OUCRU: www.oucru.org/vi/chuong-trinh-tien-si/

Skip to content