Ngày 19 tháng 11 năm 2024 – Một nghiên cứu quốc gia do Khoa Y, Đại học Indonesia (FMUI) và OUCRU Indonesia thực hiện đã phát hiện ra rằng, trong số 575 bệnh viện mẫu ở 34 tỉnh thành của Indonesia, có 9 trên 10 bệnh viện đã triển khai Chương Trình Quản Lý Kháng Sinh (Antimicrobial Stewardship Programme – ASP) chính thức. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số đó có khả năng triển khai chương trình quản lý kháng sinh toàn diện và hiệu quả.
Chương trình Quản lý Kháng sinh (ASP) là sáng kiến của bệnh viện nhằm đảm bảo việc sử dụng kháng sinh đúng cách và chỉ khi cần thiết, giúp ngăn ngừa các nhiễm trùng kháng thuốc và bảo vệ hiệu quả của kháng sinh cho các bệnh nhân trong tương lai.
Nghiên cứu chỉ ra rằng một số rào cản chính trong việc triển khai chương trình quản lý kháng sinh tại các bệnh viện bao gồm: hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ vi sinh, thiếu nguồn lực và nhân lực để thực hiện các hoạt động quản lý kháng sinh, cơ cấu phân cấp trong bệnh viện, và thiếu sự hợp tác giữa các chuyên khoa. Những rào cản này rõ rệt hơn tại các bệnh viện nằm ở các quận có Chỉ số Phát triển Y tế Công cộng thấp và mức chi tiêu bình quân đầu người thấp.
Nghiên cứu NASPA nhằm đánh giá tình trạng triển khai ASP trên toàn quốc, xác định những thách thức mà các nhân viên y tế gặp phải, và đưa ra các khuyến nghị để củng cố các chương trình này tại các bệnh viện công và tư nhân. Nghiên cứu đã khảo sát các bệnh viện ở 34 tỉnh và tiến hành các cuộc thảo luận nhóm với nhiều nhóm bệnh viện khác nhau, cả công và tư, các cấp độ bệnh viện từ cao đến thấp (A–D), và các khu vực địa lý khác nhau.
Những Lỗ Hổng và Rào Cản Được Nhận Diện
Tiến sĩ Robert Sinto,tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nhiều bệnh viện nhỏ và ở vùng sâu, vùng xa thiếu các nguồn lực thiết yếu như tài chính, nhân lực, phòng thí nghiệm vi sinh và hỗ trợ công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu chất lượng cao.” Ông cũng cho rằng khối lượng công việc lớn và sự thay đổi nhân sự thường xuyên khiến nhân viên y tế không có đủ thời gian và năng lượng để tham gia vào các hoạt động của chương trình ASP, làm giảm khả năng duy trì chương trình một cách liên tục. Các cơ cấu phân cấp trong bệnh viện cũng là một rào cản lớn đối với sự hợp tác, vì nhân viên cấp dưới có thể ngần ngại đặt câu hỏi về phương pháp kê đơn của bác sĩ cấp cao”. Ông cũng lưu ý rằng, “Một số y bác sỹngần ngại thay đổi thói quen kê đơn, đặc biệt là nhiều bác sĩ tư nhân còn lưỡng lự trước các hướng dẫn của ASP.”
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù đã có các hướng dẫn quốc gia về ASP và một số tiến bộ đã đạt được, “tuy nhiên, cần có những quy định chặt chẽ hơn để ASP trở thành ưu tiên, thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu và cung cấp các phương pháp đánh giá rõ ràng,” Phó giáo sư Raph Hamers, tác giả chính và Trưởng chương trình nghiên cứu bệnh nhiễm trùng lâm sàng tại OUCRU Indonesia nhấn mạnh.
Hướng Đi Để Tăng Cường Triển Khai ASP
Dù gặp phải nhiều thách thức, nghiên cứu cũng đã chỉ ra các yếu tố quan trọng có thể giúp tăng cường triển khai ASP tại các bệnh viện trên toàn Indonesia. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ lãnh đạo bệnh viện. “Các bệnh viện có ngân sách và sự hỗ trợ từ ban quản lý thường thành công hơn trong việc duy trì các chương trình ASP”, Tiến sĩ Sinto cho biết.
Một yếu tố quan trọng khác là sự hợp tác và đào tạo giữa các nhân viên y tế. “Sự hợp tác giữa các dược sĩ, bác sĩ lâm sàng và nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn đã chứng minh là có tác dụng cải thiện sự tuân thủ các quy trình của ASP và sử dụng kháng sinh,” Giáo sư Anis Karuniawati, đồng tác giả và chuyên gia về vi sinh lâm sàng tại FMUI giải thích.
Những yếu tố này cung cấp các hướng dẫn quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các tiêu chuẩn quốc gia rõ ràng, hỗ trợ tài chính tốt hơn và đào tạo để giúp các bệnh viện vượt qua những rào cản hiện tại.
Nghiên cứu NASPA là sự hợp tác với Khoa Y Universitas Indonesia , Bệnh viện Cipto Mangunkusumo, Đại học Monash Indonesia, Cục Chất lượng Dịch vụ Y tế, Bộ Y tế Indonesia, Đơn vị Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol Oxford và Đại học Mahidol. Nguồn tài trợ được cung cấp bởi Wellcome[106680/Z/14/Z] .