May 18, 2022

Nghiên cứu đầu tiên chứng minh thuốc kháng độc tố ngựa an toàn và hiệu quả trong việc điều trị uốn ván ở người lớn

Lần đầu tiên, một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đã so sánh hai phương pháp điều trị kháng độc tố khác nhau cho bệnh uốn ván. Khi so sánh tác dụng của kháng độc tố người và ngựa, với phương pháp tiêm bắp, kháng độc tố ngựa được xác định là an toàn và hiệu quả trong việc điều trị uốn ván ở người lớn. Nghiên cứu cũng xác định việc bổ sung kháng độc tố nội tủy (tủy sống) không mang lại thêm lợi ích nào so với điều trị bằng kháng độc tố tiêm bắp đơn thuần.

Đồng thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị uốn ván, đặc biệt ở những địa phương chưa có nguồn lực.

Các kết quả của nghiên cứu khuyến nghị dùng kháng độc tố tiêm bắp cho điều trị uốn ván. Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy kháng độc tố ngựa có tác dụng phụ nhiều so với kháng độc tố người.

So với kháng độc tố người, kháng độc tố ngựa rẻ hơn và sẵn có hơn ở nhiều nước. Nghiên cứu phát hiện kháng độc tố ngựa là an toàn, đặc biệt ở những nơi không có kháng độc tố người.

Độc tố uốn ván hoạt động trong hệ thống thần kinh trung ương, nơi kháng độc tố tiêm ngoại vi ít xâm nhập vào được; do đó, tiêm kháng độc tố nội tủy (vào tủy sống) trước đó đã được tin rằng sẽ giúp cải thiện kết quả lâm sàng so với tiêm bắp. Nghiên cứu này cho thấy rằng tiêm nội tủy – một thủ thuật xâm lấn – không làm giảm đáng kể nhu cầu thở máy ở người lớn mắc uốn ván.

BS. Lâm Minh Yến, Bác sĩ Nghiên cứu Cấp cao tại OUCRU, và TS. BS. Nguyễn Văn Hảo, Tác giả thứ nhất, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc Người lớn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Trưởng Bộ môn Nhiễm – Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Kết quả của nghiên cứu khẳng định rằng phương pháp điều trị uốn ván bằng kháng độc tố ngựa tiêm bắp – một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu – là an toàn và hiệu quả. So với phương pháp tiêm nội tủy phức tạp và xâm lấn, nghiên cứu cho thấy tiềm năng sử dụng kháng độc tố ngựa tiêm bắp, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.

Kéo dài trong 3 năm, nghiên cứu đã thu tuyển 272 bệnh nhân người lớn nhập viện ở Khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được chẩn đoán mắc uốn ván toàn thân.

PGS. TS. Louise Thwaites, Nghiên cứu viên Lâm sàng Cấp cao tại OUCRU và Phó Giáo sư tại Trung tâm Y học Nhiệt đới và Sức khỏe Toàn cầuĐại học Oxford, chia sẻ: “Tôi nghĩ OUCRU và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có khả năng đặc biệt để thực hiện những thử nghiệm lâm sàng lớn về uốn ván như nghiên cứu này. Nghiên cứu kết hợp cả chuyên môn về thử nghiệm lâm sàng lẫn chuyên môn lâm sàng để điều trị cho bệnh nhân uốn ván, và chúng tôi hy vọng họ chính là đối tượng hưởng lợi từ những nghiên cứu như thế này”.

“Nghiên cứu này rất quan trọng, vì nó là một trong số ít các thử nghiệm lâm sàng về một căn bệnh vẫn đang ảnh hưởng đến nhiều người ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình mỗi năm. Thử nghiệm cho thấy việc tiêm kháng độc tố (phương pháp điều trị chính cho uốn ván) bằng đường tủy sống không cải thiện đáng kể mức độ nghiêm trọng hay kết cục của bệnh, so với đường thông thường (vào cơ)”.

PGS. TS. Louise Thwaites kết luận: “Kết quả của nghiên cứu rất hữu ích cho các bác sĩ điều trị uốn ván trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nơi có nguồn lực hạn chế, và cho thấy rằng những phương pháp điều trị phức tạp và tương đối tốn kém là không cần thiết trong việc điều trị uốn ván”.


Thông tin liên hệ: communications@oucru.org

Trích dẫn: N Van Hao PhD, H Thi Loan MD et al. Human versus equine intramuscular antitoxin, with or without human intrathecal antitoxin, for the treatment of adults with tetanus: a 2 × 2 factorial randomised controlled trial. The Lancet Global Health 2022;10(6):e862-e872. Available from: https://www.thelancet.com/journals/langlo/article/PIIS2214-109X(22)00117-6/fulltext

 *Chương trình tập huấn trong hình ảnh là một phần của dự án có tiêu đề: ‘Tính khả thi và khả năng chấp nhận của chương trình phục hồi chức năng do gia đình thực hiện cho bệnh nhân uốn ván’, nhằm mục đích thiết kế quan hệ đối tác giữa nhân viên y tế & người chăm sóc trong gia đình bệnh nhân để cung cấp một chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân uốn ván, sau đó đánh giá tính khả thi, tính bền vững và khả năng được chấp nhận của cách tiếp cận này.

Nguồn tài trợ: Quỹ Wellcome

Loading...
Skip to content