April 27, 2024

Kết Nối với Công Chúng và Cộng Đồng để hỗ trợ nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và nhận thức về vắc-xin  

Trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng, nhận thức về vắc-xin là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng(1), đặc biệt ở các vùng nông thôn ít được tiếp cận với thông tin về vắc-xin, ví dụ như cộng đồng dân tộc thiểu số tại các vùng sâu vùng xa (như Bình Phước, nơi nghiên cứu được thực hiện). Những cuộc khủng hoảng y tế công như COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận với thông tin vắc-xin.  

Phòng Kết Nối Khoa Học với Công Chúng và Cộng Đồng đã thực hiện đánh giá tỷ lệ tiêm chủng và tìm hiểu thái độ cũng như quan điểm của một số cộng đồng đối với vắc-xin. Sau hoạt động đánh giá này, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, chúng tôi đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ cải thiện tình hình này.

Các sáng kiến được thực hiện trong dự án bao gồm tờ rơi, áp-phích về tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt, chúng tôi đã sử dụng hình ảnh của chính người dân địa phương nhằm thu hút sự chú ý của họ. Các tài liệu truyền thông này được phân phát thông qua các cộng tác viên y tế thôn bản và các trưởng thôn, cũng như được đặt tại các địa điểm có nhiều người dân tụ tập trong làng.  

Bên cạnh tài liệu truyền thông này, chúng tôi cũng sáng tạo và biểu diễn một vở kịch về vắc-xin nhằm truyền tải thông tin về vắc-xin dễ hiểu nhất có thể cho người dân.  

Tài liệu truyền thông về vắc-xin của dự án tại Bình Phước

Một nghiên cứu của TS Nguyễn Thanh Hà cho thấy, tại các vùng nông thôn Việt Nam, cộng tác viên y tế thôn/buôn và nhân viên trạm y tế xã là cách hiệu quả nhất để giúp nâng cao nhận thức về vắc-xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, nhóm cán bộ và cộng tác viên này thường không được trang bị đầy đủ kỹ năng giao tiếp hay kiến thức về vắc-xin trong khi phải giải thích những vấn đề phức tạp cho người dân địa phương có thể có trình độ văn hóa và nhận thức không cao, nhiều người trong số họ cũng như không nói được tiếng Kinh(2).  

Từ những thông tin này, nhóm Kết Nối Khoa Học với Công Chúng và Cộng Đồng đã phối hợp cùng Trung tâm Phòng Chống Bệnh Tật tỉnh Đắk Lắk để phát triển nên một chương trình tập huấn nhằm cung cấp các kỹ năng và kiến thức hữu ích cho nhóm cán bộ y tế này. Chương trình tập huấn bền vững này cũng bao gồm các hướng dẫn và tài liệu cụ thể để giúp cán bộ y tế cấp huyện, xã có thể trở thành những người giảng dạy sau này.  

Xem thêm và tải tài liệu truyền thông cho cán bộ vắc-xin tuyến đầu tại đây

Phản hồi của các cộng tác viên y tế thôn bản đã tham gia chương trình tập huấn thí điểm tại Đắk Lắk.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 năm 2021, dịch tin giả trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát hơn. Đóng góp vào nỗ lực ngăn chặn tin giả, tin không đúng sự thật, đặc biệt là tin về vắc-xin, OUCRU đã thực hiện một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, sử dụng nền tảng này để lan truyền các thông tin đáng tin cậy, có bằng chứng, và được khoa học kiểm định về vắc-xin COVID-19, cũng như khuyến khích mọi người đi chích vắc-xin khi có thể.  

Một số hình ảnh của chiến dịch  

Thông qua các phương thức tiếp cận đa dạng được chọn lựa cẩn thận thông qua nghiên cứu và các bản đánh giá nhu cầu, OUCRU hướng đến việc xây dựng được nhiều mô hình khác nhau nhằm cải thiện tỷ lệ tiêm chủng trong các cộng đồng, đặc biệt là ở vùng nông thôn sâu và xa, cũng như nâng cao nhận thức về thông tin vắc-xin trong công chúng.  


Tài liệu tham khảo:

(1) In 2016 Thomson et al proposed a taxonomy of ‘5-As’ to describe the dimensions of vaccine uptake: access, affordability, awareness, acceptance and activation.  

Thomson A, Robinson K, Vallée-Tourangeau G. The 5As: a practical taxonomy for the determinants of vaccine uptake. Vaccine 2016;34:1018–24.doi:10.1016/j.vaccine.2015.11.065pmid:http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26672676 

(2) Đọc thêm về dự án tại đây.

Skip to content