December 30, 2024

Kết nối khoa học với công chúng và cộng đồng: Tăng cường sự tham gia của người trẻ trong Nghiên cứu 

Kết nối khoa học với công chúng và các cộng đồng có liên quan vào nghiên cứu là một phần không thể tách rời trên hành trình thực hiện sứ mệnh của OUCRU: thực hiện các nghiên cứu tại địa phương với tác động toàn cầu. Cùng nhìn lại những thành tựu trong năm 2024 của OUCRU trong lĩnh vực này, đặc biệt là những dấu mốc về mối quan hệ hợp tác ngày một phát triển và có ý nghĩa giữa nghiên cứu và các bạn trẻ.  

Giới trẻ có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu 

Nhóm Thanh niên Nghiên cứu Hành động (Youth Action Research Group – YARG) 

Là một phần của dự án Sáng kiến ứng phó với các biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại khu vực Đông Nam Á (SEACOVARIANTS), một dự án nghiên cứu đa ngành đánh giá nhanh nguy cơ tiềm tàng về khía cạnh sinh học của các biến thể SARS-CoV-2, từ đó, cung cấp thông tin nhanh chóng kịp thời hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách địa phương trong việc đưa ra quyết định dựa trên chứng cứ thu được.  

Nhóm YARG đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà khoa học xác định các cộng đồng bị ảnh hưởng trong các cuộc khủng hoảng y tế như đại dịch COVID-19, cũng như thu thập ý kiến và đề xuất của nhóm cộng đồng này. Nhóm đang xây dựng một khung làm việc giúp xác định các nhóm khó tiếp cận và bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch cũng như đưa ra các khuyến nghị để cải thiện chính sách y tế công cộng trong các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. 

Tập hợp các bạn trẻ nhiệt huyết, nhóm YARG đã và đang được trao quyền để tích cực tham gia và đưa vào nghiên cứu những đóng góp có giá trị dưới góc nhìn của người trẻ.  

Khuyến khích nhà khoa học trẻ kết nối với công chúng và cộng đồng

Trong 9 năm qua, dự án Giải thưởng Hạt giống đã trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ nhiều nhà khoa học trẻ thực hiện các dự án kết nối khoa học với công chúng và cộng đồng, truyền cảm hứng sáng tạo và đổi mới cũng như xây dựng và nuôi dưỡng mối liên kết ngày càng chặt chẽ và vững mạnh giữa các nhà nghiên cứu và cộng đồng cũng như công chúng.  

Nuôi dưỡng cộng đồng ủng hộ khoa học nhiệt thành trong tương lai  

‘Thanh niên Chống Kháng kháng sinh’ tại Nepal   

Nâng cao nhận thức về Kháng Kháng Sinh đã trở thành hoạt động thường niên tại OUCRU Nepal trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong tuần lễ đặc biệt về chủ đề này do WHO khởi xướng (18 – 24 tháng 11 hàng năm). Trong năm 2024, OUCRU Nepal đã chọn các bạn học sinh là nhóm đối tượng chính cho các hoạt động tương tác vui nhộn của mình nhằm hưởng ứng chủ đề năm nay ‘Giáo dục. Vận động. Hành động.’ Bên cạnh các buổi chia sẻ và thảo luận tương tác với nhà khoa học tại trường, hàng trăm học sinh còn tham gia khóa học vẽ truyện tranh và thi tài sáng tạo mini-vblog. Cùng nhìn lại những con số ấn tượng của năm 2024 từ OUCRU Nepal:  

  • 120 học sinh tham gia các phiên chuyên đề về kháng kháng sinh.  
  • 21 mini-vblog đã được sản xuất nhằm tìm hiểu thói quen liên quan đến sức khỏe của người dân.  
  • Buổi học vẽ truyện tranh 2 ngày ‘Thử tài vẽ bọ’ thu hút 8 nghệ sĩ của Nepal tham gia sáng tạo các mẩu truyện tranh với thông điệp dễ hiểu nhằm giúp truyền thông đến mọi người dễ dàng hơn.  
  • Hội thảo ‘Biên niên sử Kháng Kháng Sinh: Cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình’ với sự tham gia của 46 các bạn trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như IT, y, dược, kỹ sư, quản trị v.v..  

Loạt video nâng cao nhận thức cộng đồng do tổ chức sinh viên y khoa tại Indonesia thực hiện 

Cũng tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhóm người trẻ, Phòng Kết nối Khoa học với Công chúng (PCE) tại OUCRU Indonesia đã thực hiện một cuộc thí nghiệm xã hội, phỏng vấn nhanh nhiều người khác nhau thuộc đa dạng các nhóm tuổi và ngành nghề, nhằm tìm hiểu về mức độ hiểu biết thuốc kháng sinh, thói quen sử dụng, cũng như chia sẻ lời khuyên từ chuyên gia, Bác sĩ Robert Sinto.  

Tại Indonesia, nhiều người sử dụng kháng sinh không đúng mục đích bất cứ khi nào họ cảm thấy không khỏe trong người. Thí nghiệm xã hội dài 3 phút này do Trung tâm Hoạt động Sinh viên Y khoa Indonesia (Center for Indonesian Medical Students’ Activities – CIMSA) phối hợp thực hiện cùng OUCRU. Kết quả không quá bất ngờ nhưng vẫn rất báo động: 8 trong số 10 người tham gia phỏng vấn không biết gì về kháng kháng sinh và phân nửa thừa nhận có sử dụng kháng sinh dù không đi khám bác sĩ.

Hoạt động thí nghiệm xã hội này đánh dấu lần đầu tiên hợp tác giữa phòng Kết Nối Khoa học với Công chúng và Cộng đồng, OUCRU ID và CIMSA; góp phần giúp các bạn sinh viên được thực hành kỹ năng phỏng vấn trong nghiên cứu và sản xuất các video cung cấp thông tin giáo dục. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính của phòng PCE – nâng cao mức độ hiểu biết và tin tưởng vào khoa học trong công chúng cũng như bồi dưỡng kỹ năng trong khoa học nói chung cho thế hệ tương lai.  

Hội chợ Khoa học cổ vũ tinh thần sáng tạo của học sinh và giáo viên tại Tiền Giang   

Tiếp nối thành công của vở kịch tương tác vui nhộn “Dùng thuốc linh tinh, có ngày kháng kháng sinh’, đã thu hút hơn 5.000 học sinh tại các trường trung học cơ sở ở TP.HCM đầu năm 2024, phòng PCE tiếp tục hợp tác với Sở Giáo dục Tiền Giang tổ chức chuỗi sự kiện khoa học nhằm tạo sân chơi sáng tạo cho các em và thầy cô giáo.  

Bên cạnh hội chợ với sự tham gia của hơn 500 học sinh và thầy cô, nhóm dự án Making Science Make Sense cũng đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ năng viết kịch bản kịch, sáng tạo đạo cụ khoa học trực quan v.v.. Các nhà khoa học nhí đã có các buổi trình diễn khoa học hấp dẫn cũng như thành công tạo nên các trò chơi khoa học vui nhộn bằng các vật liệu tái chế thân thiện với môi trường, truyền tải thành công thông điệp sử dụng thuốc đúng cách để phòng tránh kháng kháng sinh.  

Kịch diễn đàn tương tác để ‘uốn’ Uốn Ván  

Trong một khảo sát nhanh về nhu cầu tìm hiểu kiến thức về 10 bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Việt Nam, uốn ván bất ngờ đứng vị trí áp chót. Kết quả này đáng báo động khi uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng, dễ để lại nhiều di chứng nặng nề và tình trạng tiêm phòng uốn ván ở Việt nam chưa được xem trọng.  

Từ kết quả này, nhóm Đại sứ Kết nối Khoa học (Youth Science Ambassadors, YSA), sáng kiến trao quyền cho người trẻ tham gia phát triển và dẫn dắt các sáng kiến sức khỏe cộng đồng từ năm 2021, đã cùng nhau lên kế hoạch và thực hiện dự án Uốn Uốn Ván. 

Dự án này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về mức độ nguy hiểm và nguy cơ trở nặng cao của uốn ván khi người nhiễm chưa được tiêm phòng cũng như khuyến khích người dân đi tiêm vắc-xin uốn ván. Dự án tập trung tác động vào nhóm bệnh nhân và người thân tại bệnh viện cũng như các bạn trẻ tại các trường đại học tại TP.HCM.  

Điểm nổi bật của Uốn Uốn Ván là hình thức sân khấu diễn đàn, loại hình kịch tương tác sáng tạo giúp các khán giả có thể can thiệp và thay đổi kịch bản, từ đó thay đổi kết cục câu chuyện. Nhóm YSA đã chọn sân khấu diễn đàn để có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các bạn sinh viên, khuyến khích các bạn sáng tạo và tương tác, từ đó hiểu sâu hơn về thông điệp của vở kịch nói riêng và dự án nói chung.  

Bên cạnh hình thức tương tác trực tiếp, nhóm PCE cũng sẽ số hóa vở kịch này để bất cứ ai cũng có thể cùng tương tác nếu không thể tham gia các buổi diễn trực tiếp.  

Tham quan Khoa học 

Tự hào là một trong những đơn vị nghiên cứu lâm sàng có phòng thí nghiệm hàng đầu khu vực, từ năm 2017, OUCRU vui mừng được đón tiếp hàng trăm các em học sinh tham quan, quan sát trực tiếp công việc của các nhà nghiên cứu, và hỏi đáp với nhà khoa học. 

Năm 2024, trở lại sau một thời gian ngắn tạm ngưng do COVID-19, dự án Tham quan Khoa học mở rộng cửa đón chào nhiều đối tượng hơn, từ học sinh phổ thông đến sinh viên đại học. Hơn 120 bạn trẻ đã tham gia 6 chuyến tham quan cùng các hoạt động thú vị khác trong dự án.  

Tiếp nối các điểm sáng của 2024, OUCRU trong 2025 vẫn sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa các nghiên cứu của OUCRU và các cộng đồng địa phương, nuôi dưỡng các thế hệ tương lai, và cải thiện mức độ nhận thức và hiểu biết về khoa học của công chúng đối với các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Chúng tôi luôn nỗ lực đóng góp vào mục tiêu của xã hội: nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các nghiên cứu khoa học dựa vào bằng chứng.  

Skip to content