Giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu
Kháng kháng sinh (AMR) là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đang gia tăng và đe dọa đảo ngược những tiến bộ y tế trong nhiều thập kỷ qua. Tại Việt Nam, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực khó khăn, nơi nguồn lực y tế và cơ sở vật chất xét nghiệm còn hạn chế.
Tại Phú Thọ, một tỉnh miền Bắc Việt Nam, các huyện như Hạ Hòa, Yên Lập và Tân Sơn nhận được sự quan tâm đặc biệt do còn thiếu các cơ sở xét nghiệm vi sinh. Bệnh nhân nếu muốn làm các xét nghiệm này buộc phải tìm đến các bệnh viện tuyến huyện, kéo dài thời gian chẩn đoán và điều trị bệnh.
Không có cơ sở vật chất xét nghiệm, các bác sĩ tại đây thường kê đơn kháng sinh dựa trên triệu chứng và phán đoán lâm sàng. Thực hành này vô hình chung góp phần vào sự gia tăng kháng thuốc kháng sinh tại cấp huyện.
Để giải quyết vấn đề này, OUCRU và Sở Y tế Phú Thọ đã hợp tác nhằm tăng cường quản lý kháng sinh ở các khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sáng kiến này tập trung vào việc nâng cao năng lực chẩn đoán và cung cấp các giải pháp phòng thí nghiệm vi sinh tại các bệnh viện cấp huyện.
Vào ngày 19 tháng 11 năm 2024, buổi họp sơ kết đã được tổ chức để báo cáo các tác động tích cực của dự án đối với việc chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát kháng sinh, và cải thiện các thực hành y tế. Tham dự cuộc họp có Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, và các đại diện từ Sở Y tế Phú Thọ và các bệnh viện tỉnh.
Cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân thông qua các quyết định dựa trên dữ liệu
Kể từ năm 2022, dự án đã triển khai hai giải pháp xét nghiệm vi sinh phù hợp với nhu cầu đặc thù của từng điểm nghiên cứu. Tại huyện Hạ Hòa, một “Phòng thí nghiệm độc lập quy mô nhỏ” đã được thành lập, sẵn sàng thực hiện xét nghiệm các mẫu vô trùng (ví dụ: máu, nước tiểu, dịch vô trùng) ngay tại địa phương.
Tại các huyện Yên Lập và Tân Sơn, mô hình Hub-and-Spoke đã được áp dụng, cho phép mẫu bệnh phẩm được gửi đến một phòng thí nghiệm trung tâm, cấp tỉnh để xét nghiệm.
Những giải pháp này giúp nhân viên y tế xác định chính xác vi khuẩn và độ nhạy kháng sinh, giúp họ đưa ra các quyết định điều trị tập trung hơn. Nhờ đó, bác sĩ có thể chọn kháng sinh đặc hiệu với loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, từ đó cải thiện chăm sóc bệnh nhân.
Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này giúp giảm sự phụ thuộc vào kháng sinh phổ rộng, giảm nguy cơ phát sinh vi khuẩn kháng thuốc. Nhờ đó, giúp giảm liều điều trị khi có thể và hạn chế sử dụng kháng sinh không cần thiết.
Xây dựng năng lực thông qua đào tạo
Ngoài việc cung cấp cơ sở vật chất, dự án còn trang bị cho đội ngũ y bác sĩ những khóa đào tạo thiết yếu về các lĩnh vực quan trọng như quản lý kháng sinh, vi sinh lâm sàng, nghiên cứu đạo đức và kiểm soát nhiễm trùng.
Việc tập trung vào xây dựng năng lực tại địa phương đảm bảo rằng các cán bộ y tế không chỉ được trang bị công cụ cần thiết mà còn có kiến thức để cải thiện việc sử dụng kháng sinh và kiểm soát nhiễm trùng trong công việc hàng ngày.
Thông qua đào tạo nâng cao năng lực, dự án đã giúp các nhân viên y tế đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, từ đó cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân và giúp làm chậm sự lan rộng của AMR.
Dược sĩ lâm sàng Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: “Nhờ chương trình đào tạo của nghiên cứu UMAMIS, các bác sĩ đã thay đổi quan điểm và sẵn sàng hợp tác thực hiện các hướng dẫn về dự phòng kháng sinh trong các ca phẫu thuật sạch tại các trung tâm y tế cấp huyện.”
Một mô hình bền vững cho tương lai
Sau khi kết thúc dự án, các trung tâm y tế huyện tại Hạ Hòa, Yên Lập và Tân Sơn cam kết duy trì những tiến bộ đã đạt được thông qua nghiên cứu này.
Các nghiên cứu mới sẽ được triển khai để đảm bảo việc duy trì các phòng xét nghiệm quy mô nhỏ, tích hợp xét nghiệm vi sinh vào các quy trình lâm sàng thương quy, và mở rộng phạm vi các xét nghiệm vi sinh có sẵn tại cấp huyện.
“Kết quả sơ bộ cho thấy việc sử dụng kháng sinh giảm, cả trên toàn bệnh viện và tại khoa phẫu thuật”, Tiến sĩ Vũ Thị Lan Hương, Chủ nhiệm Dự án cho biết thêm. “Những kết quả này có tiềm năng giúp các nhà hoạch định chính sách và nhà tài trợ hiểu rõ hơn về mô hình triển khai kết hợp AMS với các can thiệpvi sinh. Các phân tích sâu hơn đang được tiến hành để đánh giá tác động của dự án”.
“Trong tương lai,” Bác sĩ Lương Duy Đống, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa, bình luận, “chúng tôi hy vọng sẽ duy trì phòng xét nghiệm vi sinh tại trung tâm và hợp tác nghiên cứu với OUCRU.”
Cam kết tiếp tục đào tạo và hợp tác là yếu tố quan trọng để duy trì những cải tiến này và tạo ra một chu trình bền vững chuyển giao kiến thức và cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe.
***
Về dự án
Dự án “Nâng cấp và mở rộng kiểm soát kháng thuốc kháng sinh bằng các giải pháp xét nghiệm vi sinh cho các bệnh viện tuyến huyện tại Phú Thọ, Việt Nam” là một phần của sáng kiến lớn hơn, “Mở rộng các chương trình quản lý kháng thuốc kháng sinh cho các hoạt động lâm sàng chưa được phục vụ đầy đủ: Các khoa ngoại trú và bệnh viện không có năng lực vi khuẩn học tại Việt Nam”.
Sáng kiến này nhằm mở rộng phạm vi của các chương trình quản lý thuốc kháng sinh và tăng cường kiểm soát AMR ở những khu vực chưa được phục vụ đầy đủ của Việt Nam, đặc biệt là tại các phòng khám ngoại trú và bệnh viện huyện thiếu cơ sở hạ tầng để xét nghiệm vi sinh.
Tiến sĩ Thomas Kesteman là Trưởng Dự án kiêm Chủ Nhiệm Dự án và Tiến sĩ Vũ Thị Lan Hương là Đồng Chủ Nhiệm Dự án
Dự án được tài trợ bởi Pfizer Global Medical Grants và Global Bridges tại Mayo Clinic, triển khai từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 9 năm 2024, với sự hợp tác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hai bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển – Uông Bí và Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp) và ba bệnh viện tuyến huyện tại Phú Thọ (Hạ Hòa, Tân Sơn và Yên Lập).