June 12, 2024

Nghiên cứu mới: Các biện pháp hiệu quả trong việc giảm gánh nặng kháng kháng sinh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên The Lancet, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để giải quyết mối đe dọa của tình trạng kháng kháng sinh.

Nghiên cứu có tiêu đề “Gánh nặng kháng kháng sinh ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể ngăn ngừa được bằng các biện pháp can thiệp hiện có,”cung cấp các phân tích về hiệu quả của các biện pháp can thiệp y tế hiện có trong việc giảm tải tình trạng kháng kháng sinh.

Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn không còn đáp ứng với loại thuốc dùng để điều trị chúng. Ước tính có khoảng 5 triệu ca tử vong hàng năm liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn kháng kháng sinh. Phần lớn số ca này, khoảng 4,3 triệu người, xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế.

Nhóm nghiên cứu, bao gồm PGS TS Abhilasha Karkey của OUCRU Nepal, đã tiến hành phân tích các biện pháp can thiệp hiện có và tác động của chúng trong việc giảm tử vong liên quan đến AMR ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia này nên ưu tiên nguồn lực để đầu tư vào các biện pháp can thiệp mang lại hiệu quả giảm thiểu gánh nặng AMR lớn nhất.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập và sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm nghiên cứu dịch tễ học, dữ liệu khảo sát đa quốc gia và các phân tích tổng hợp hiện có. Họ cũng phát triển mô hình phân tích để ước tính tác động của các biện pháp can thiệp khác nhau trong việc giảm thiểu ca tử vong liên quan đến AMR ở LMIC.

Nghiên cứu nhấn mạnh ba biện pháp can thiệp chính có tiềm năng ngăn chặn 750.000 ca tử vong liên quan đến AMR mỗi năm:

1. Cải thiện các chương trình phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng (IPC): Tăng cường các chương trình IPC tại cơ sở chăm sóc sức khỏe của LMIC có thể ngăn ngừa ít nhất 337.000 ca tử vong hàng năm liên quan đến AMR. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng vệ sinh nước sạch còn nhiều hạn chế, vẫn có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo vệ sinh môi trường bề mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh (sử dụng dung dịch phun khử khuẩn, vệ sinh tay chứa cồn, thiết bị bảo hộ cá nhân).

2. Đảm bảo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ vệ sinh nước sạch (WASH): Cung cấp dịch vụ vệ sinh nước sạch đạt chất lượng có thể ngăn ngừa tới 247.800 ca tử vong liên quan đến AMR hàng năm. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, thay vì chỉ dựa vào các biện pháp chi phí thấp nhằm thay đổi hành vi cá nhân.

3. Thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ em: Việc đảm bảo các liều vắc xin cơ bản có thể ngăn ngừa 181.500 ca tử vong liên quan đến AMR hàng năm ở các nước LMIC. Vắc-xin không chỉ bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm mà còn làm giảm việc tiêu thụ kháng sinh của trẻ về sau.

“Các biện pháp phòng ngừa trên không chỉ cần thiết trong điều trị bệnh, mà còn giúp bảo toàn hiệu quả của các loại kháng sinh hiện có. Thông qua các can thiệp này, chúng ta có thể giảm nhẹ gánh nặng toàn cầu do kháng kháng sinh gây ra, nhằm đảm bảo một tương lai khỏe mạnh cho tất cả mọi người.”

PGS TS Abhilasha Karkey, Giám đốc OUCRU Nepal

Bằng cách thực hiện các biện pháp can thiệp trên, ước tính có thể giảm 18% số ca tử vong liên quan đến AMR xảy ra hàng năm ở các nước LMIC. Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp này không loại trừ lẫn nhau, do đó cần phải kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp đa dạng để có kết quả tốt nhất.

Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và sự cần thiết của quốc gia trong việc phân bổ nguồn lực để thực hiện những can thiệp này. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ kiến thức, nguồn lực và các biện pháp thực hành tốt nhất để chống lại tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu.

Để đọc thêm nghiên cứu, truy cập The Lancet.

Tìm hiểu thêm

Liên quan

Skip to content