Các nhà nghiên cứu OUCRU từ Indonesia, Nepal và Việt Nam đã góp phần xây dựng danh sách các ưu tiên nghiên cứu về kháng thuốc (AMR) mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Danh sách 40 ưu tiên này được phát triển cùng với các đối tác toàn cầu, nhằm hướng dẫn nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc trong vòng 5 năm tới, đặc biệt chú trọng đến những thách thức mà các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (LMICs) đang đối mặt.
Mối đe dọa ngày càng gia tăng của AMR trên toàn cầu
AMR là một trong những thách thức y tế toàn cầu cấp bách nhất hiện nay. Khi vi sinh vật kháng thuốc, việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh cũng như tỷ lệ tử vong. Điều này gây ra nhiều hậu quả kinh tế lớn như chi phí y tế tăng vọt hay giảm sút năng suất lao động.
AMR đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia LMICs, nơi việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh không đúng cách kết hợp với điều kiện vệ sinh và kiểm soát nhiễm trùng còn nhiều hạn chế tạo ra môi trường cho vi khuẩn kháng thuốc phát triển mạnh mẽ. Do đó, người dân ở các khu vực này dễ mắc phải các trùng kháng thuốc hơn, gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế và làm tăng tỷ lệ tử vong.
PGS Raph Hamers , thành viên cốt lõi của nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh:
“Mặc dù AMR đang được quan tâm toàn cầu, nhưng những lỗ hổng kiến thức lớn vẫn làm chậm tiến độ ứng phó hiệu quả, đặc biệt là ở các quốc gia LMICs. Điều này cản trở sự phát triển trong các lĩnh vực quan trọng như phòng ngừa nhiễm trùng, vắc xin, chẩn đoán, điều trị và quản lý kháng sinh. Việc giải quyết những lỗ hổng này sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính phủ, giới học thuật, nhóm xã hội dân sự và khu vực tư nhân.”
Là Trưởng Chương trình Nghiên cứu Lâm sàng Bệnh truyền nhiễm tại OUCRU Indonesia, PGS Raph đã dẫn dắt một số dự án tại OUCRU Indonesia tập trung vào AMR, bao gồm ACORN , NASPA và Nghiên cứu BCB .
Một chương trình nghiên cứu toàn cầu phối hợp do WHO dẫn dắt
Quá trình xác định 40 ưu tiên nghiên cứu bắt đầu từ việc nhận diện các khoảng trống kiến thức hiện có, trong đó OUCRU góp phần tham gia. Quá trình này đã phát hiện hơn 3.000 khoảng trống, được thu hẹp xuống còn 177 chủ đề và được 261 chuyên gia toàn cầu ưu tiên. Kết quả là danh sách cuối cùng gồm 40 ưu tiên nghiên cứu, được thiết kế để có tác động lớn nhất.
Các nhà nghiên cứu OUCRU đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu này. GS Guy Thwaites , GS Rogier van Doorn và PGS Abhilasha Karkey đã tham gia vào Chương trình Nghiên cứu AMR trong Sức khỏe Con người của WHO. Sự tham gia của OUCRU khẳng định vai trò lãnh đạo của chúng tôi trong nghiên cứu AMR tại Đông Nam Á và Nam Á, với sự hỗ trợ của nhiều nhóm nghiên cứu liên ngành tại Indonesia, Việt Nam và Nepal.
GS. Rogier, Giám đốc OUCRU Hà Nội, nhấn mạnh: “Chương trình nghiên cứu của WHO có thể tạo ra động lực để đẩy nhanh nghiên cứu trong các lĩnh vực then chốt và tối ưu hóa việc tài trợ cũng như hợp tác toàn cầu. Bằng cách tập trung vào các nhu cầu nghiên cứu cấp bách nhất, chúng ta có thể cải thiện đáng kể cách thức chống lại AMR.”
Chương trình nghiên cứu của WHO sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các khuyến nghị từ Tuyên bố AMR tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và đóng góp vào các chiến lược quốc gia và toàn cầu nhằm kiểm soát AMR vào năm 2030.