October 24, 2024

Sốt xuất huyết: liệu muỗi vằn con có phải là mối hiểm họa tiềm tàng?

Với số ca tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng sốt xuất huyết đứng đầu trong 10 mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu.(1) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết trở nên phức tạp hơn do những thay đổi không lường trước được trong hành vi và phân bố địa lý của muỗi vằn, vật chủ chính của virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết.

Thông thường, để phòng chống sốt xuất huyết, các cơ quan y tế và chính phủ thường tuyên truyền ngăn ngừa muỗi (trưởng thành) đốt. Khi các nhà khoa học xác nhận cơ chế lây truyền dọc – muỗi mẹ nhiễm dengue truyền virus cho muỗi con, một câu hỏi được đặt ra: virus dengue được lây truyền theo cơ chế dọc như vậy liệu có khả năng gây bệnh cho con người. Nếu có, chúng ta sẽ phải đối mặt với một hiểm họa mới chưa từng được quan tâm trước đây, muỗi vằn con.

Cơ chế lây truyền của virus dengue

Cùng tìm hiểu hai cơ chế lây truyền chủ yếu của virus dengue.

Sốt xuất huyết được gây ra bởi virus Dengue và được lây truyền bởi vector trung gian là muỗi; trong đó chủ yếu qua Muỗi vằn (Aedes aegypti) và Muỗi hổ (Aedes albopictus).

Virus Dengue được duy trì một cách tự nhiên theo con đường lây truyền ngang (Horizontal transmission) giữa muỗi với người. Khi những con muỗi cái sinh sản, chúng có nhu cầu protein để phát triển trứng; do đó chúng sẽ tìm hút máu các loài động vật, trong đó có con người. Khi con người bị muỗi đốt, virus Dengue từ muỗi cái đã nhiễm xâm nhập sang cơ thể người lành và ngược lại.

Tuy nhiên vẫn còn một cơ chế khác để virus duy trì sự tồn tại trong tự nhiên, chính là con đường lây truyền dọc (Vertical transmission). Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong môi trường không thuận lợi như: virus Dengue không tìm được ký chủ là con người, điều kiện khí hậu khắc nghiệt,…; virus Dengue có thể lây truyền từ muỗi mẹ sang muỗi con để tồn tại.

Với nhiều yếu tố về ngoại cảnh và tần suất lây truyền, rất khó để có thể xác định rằng liệu muỗi cái bị nhiễm virus Dengue (bắt từ thực địa) đã mang virus này thông qua con đường lây truyền theo chiều ngang hay chiều dọc. Ngoài ra, cũng không thể chắc chắn rằng những thế hệ muỗi sau đó mang virus được lây truyền từ muỗi mẹ có đủ khả năng tiếp tục lây bệnh cho con người.

Việc trả lời câu hỏi này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh môi trường sống và điều kiện thời tiết thay đổi, hành vi và phạm vi hoạt động của muỗi vằn ngày càng khó dự đoán. Việc liên tục tìm hiểu và đào sâu kiến thức về virus dengue sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách y tế công cộng phát triển các chiến lược phòng ngừa hiệu quả hơn.

Collab Lab mong muốn nâng cao nhận thức công chúng về phòng ngừa sốt xuất huyết để bảo vệ cả gia đình.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO vẫn xếp sốt xuất huyết vào top 10 mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu, diễn biến dịch bệnh này ở Việt Nam ngày càng phức tạp. Riêng giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã trải qua hai đỉnh dịch sốt xuất huyết lớn với số ca kỷ lục 367.729 trường hợp vào năm 2022, đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau quốc gia Brazil.(2)

Với sứ mệnh giúp các bài báo khoa học trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn với công chúng, từ khi dự án bắt đầu vào năm 2022, Collab Lab luôn ưu tiên các nghiên cứu liên quan đến sức khỏe cộng đồng và toàn cầu như bệnh truyền nhiễm phổ biến ở khu vực nhiệt đới (như Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung), sức khỏe tâm thần, biến đổi khí hậu v.v..

Nhằm khuyến khích công chúng thực hiện nhiều hành động hơn để bảo vệ bản thân, gia đình, và cộng đồng khỏi sốt xuất huyết, cũng như truyền thông về cơ chế lây truyền của sốt xuất huyết nói riêng và nâng cao hiểu biết về khoa học của công chúng nói chung, Collab Lab đã quyết định chọn hoạt hình hóa dự án tìm hiểu về cơ chế lây truyền dọc và khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết của muỗi vằn con nhận virus dengue từ mẹ. Dự án này do nhóm nghiên cứu thuộc phòng Sốt Xuất Huyết Dengue của OUCRU thực hiện.

Để biết được cuối cùng thì muỗi vằn con có khả năng lây truyền sốt xuất huyết dengue cho người từ virus được truyền từ mẹ hay không, cùng đón xem tập đầu tiên của Collab Lab, Mùa 3, với đội ngũ cộng tác viên khoa học trẻ hoàn toàn mới nhé.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2023-DON498 
  2. https://vnvc.vn/sot-xuat-huyet-tang-gap-10-lan-ca-mac-trong-2-thap-ky/  
  3. Đọc bài nghiên cứu trong video tại đây: Duong Thi Hue, K., da Silva Goncalves, D., Tran Thuy, V. et al. Wolbachia wMel strain-mediated effects on dengue virus vertical transmission from Aedes aegypti to their offspring. Parasites Vectors 16, 308 (2023). https://doi.org/10.1186/s13071-023-05921-y
Skip to content